Theo báo cáo của WHO, Việt Nam được đưa trở lại danh sách các nước có số ca mắc Covid-19 mới cao nhất trong tuần trên thế giới. Chuyên gia trong nước nhận định gì về việc này?
Ngày 11/8, Sở Y tế TPHCM cho biết, theo báo cáo hàng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Việt Nam lại được đưa trở lại danh sách các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần, chỉ sau Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
WHO ghi chú số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam tăng cao một phần do báo cáo bổ sung thời gian trước đó. Tuy nhiên thực tế, ca F0 mắc mới hiện có dấu hiệu gia tăng, tương ứng với số ca nặng và thở máy tăng theo.
Bệnh viện tuyến cuối tăng số ca Covid-19 nhập viện
Thống kê từ Sở Y tế TPHCM cho thấy, tuần qua địa phương tăng trung bình mỗi ngày 10 ca Covid-19 so với tuần trước. Tính đến ngày 10/8, TPHCM hiện có 218 F0, trong đó có 180 trường hợp đang điều trị, có hơn 32.600 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 11/8, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, khoa đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 25 bệnh nhân Covid-19 nặng, tăng khoảng 5 ca so với tuần trước. Trước đó, trong tuần cuối tháng 7, số ca Covid-19 nằm điều trị nội trú tại đây chỉ có 7-8 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phong, dù ca bệnh Covid-19 có xu hướng tăng dần nhưng bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính. Hiện tại, khoa không có ca nào phải chạy thận hay lọc máu.
Mới đây, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford đã thực hiện việc giải trình tự gen ngẫu nhiên 30 bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị trong tuần cuối tháng 7. Kết quả cho thấy, có 80% trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron, số còn lại nhiễm những biến thể khác như BA.2, BA.4, BA.1.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Điều trị Covid-19 thông tin, nơi đây hiện còn 4 trường hợp bệnh nhi mắc Covid-19 điều trị nội trú, sau khi vừa cho xuất hiện 2 ca. Tất cả các bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi, chưa tiêm vaccine.
Bác sĩ Sơn chia sẻ, hầu hết bệnh nhi nhập viện triệu chứng tương đối nhẹ, đa phần vì có bệnh lý khác kèm theo (như viêm phổi, sốt xuất huyết) nên phải nằm lại theo dõi thêm.
Số ca Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có xu hướng tăng trở lại từ tháng 7, sau thời gian dài gần như không có trường hợp vào viện.
Về nguyên nhân tăng, bác sĩ Thái Sơn nhận định, do thời gian qua TPHCM đã trở lại các hoạt động bình thường, nên người dân có phần chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Kế đến, sự xuất hiện của biến thể mới có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine, cũng khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng. Ngoài ra, gần đây TPHCM cũng tiến hành sàng lọc, tăng cường xét nghiệm nên tỷ lệ ca mắc mới phát hiện cao hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) cho biết, gần đây số ca Covid-19 đến khám và điều trị có xu hướng tăng. Dù vậy, số ca nặng và nhập viện không có sự đột biến.
“Trẻ nhập viện mỗi ngày chỉ 1-2 ca, chủ yếu do triệu chứng sốt nên người nhà lo lắng đưa đến, sau đó cũng về sớm” – lãnh đạo bệnh viện thông tin.
Có nên lo lắng về làn sóng dịch mới?
Theo bác sĩ Nam, siêu vi luôn có sự đột biến, nên việc biến thể phụ BA.5 xuất hiện chiếm ưu thế trong thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu. Người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực truyền nhiễm cho rằng, điều quan trọng là phải bảo vệ được nhóm nguy cơ cao, bằng cách tiêm vaccine đầy đủ.
Đáng chú ý, bác sĩ Nam cảnh báo người dân không vì quá tập trung vào Covid-19 mà quên đi các dịch bệnh theo mùa đang diễn biến phức tạp, điển hình là sốt xuất huyết.
Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày có khoảng 70-80 bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị nội trú, khiến bệnh viện cũng thường xuyên lâm vào quá tải. Trong đó, khoảng 25% là bệnh nặng lâm vào sốc, phải lọc máu và điều trị tích cực, thậm chí một số trường hợp phải chạy ECMO.
Trả lời câu hỏi về việc TPHCM và nước ta có nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới hay không, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, việc gia tăng số ca mắc Covid-19 mới không chỉ có ở Việt Nam mà một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã xảy ra, khi biến thể BA.4 và BA.5 xuất hiện.
Theo chuyên gia, nghiên cứu cho thấy 2 biến chủng trên có thể “trốn thoát” miễn dịch của những lần nhiễm trùng cũ, nên bệnh nhân đã từng mắc Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm.
Điều quan trọng là liệu ca mắc Covid-19 sẽ tăng nhiều hay ít? PGS Dũng cho biết, một số mô hình toán học đã được thế giới thực hiện, cho thấy rằng nếu vấn đề tiêm chủng được thực hiện tốt thì dự đoán số người mắc mới trong thời gian tới sẽ dưới 5% tổng dân số. Ngược lại, nếu không tiêm hoặc tỷ lệ tiêm thấp thì số ca mắc có thể tăng đến 15%.
Chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể sẽ đợt bùng dịch mới, nhưng sẽ chỉ là làn sóng dịch nhỏ, vì việc tiêm vaccine được thực hiện ở mức khá. Ông cho rằng, những người trên 50 tuổi, nằm trong nhóm nguy cơ cao (như có bệnh nền, nhân viên y tế) nên chủ động tiêm mũi 4 để phòng chống biến chứng nặng khi nhiễm bệnh.
Bác sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ thêm, việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ là rất cần thiết. Thực tế trong đợt bùng phát dịch năm 2021, sau khi Bộ Y tế và TPHCM triển khai các chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ 5-11 tuổi, số ca mắc Covid-19 ở trẻ nhỏ giảm mạnh, giúp giảm áp lực điều trị cho các bệnh viện.
Ngoài tiêm vaccine, bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo người dân vẫn cần chủ động thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ, không chỉ để đối phó với Covid-19 mà còn giúp phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung.
Nguôn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-co-ten-trong-4-nuoc-co-so-mac-covid-19-cao-chuyen-gia-noi-gi-20220811154743218.htm