Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc có nguy cơ lây lan rộng, lại đã có người tử vong, nhiều người rất lo lắng dịch bệnh có khả năng xâm nhập vào nước ta, bởi Việt Nam có chung đường biên dài với Trung Quốc. Những thông tin quan trọng mà TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ qua bài trả lời phỏng vấn riêng với VietTimes sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh này để chủ động ứng phó.
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ thông tin về chùm ca bệnh ghi nhận tại TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc (Ảnh: WHO Việt Nam)
WHO đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tại Trung Quốc như thế nào?
+, WHO đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chùm ca bênh ghi nhận tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo thông tin gần đây nhất từ Chính phủ Trung Quốc, một chủng virus corona mới là nguyên nhân gây ra vụ dịch này.
Trước đó cơ quan y tế của Trung Quốc cũng báo cáo kết quả xét nghiệm, đã loại trừ các tác nhân gây bệnh khác bao gồm SARS-CoV, MERS-CoV, cúm mùa, cúm gia cầm, virus adeno và các tác nhân gây bệnh hô hấp thông thường khác.
Trong chùm ca bệnh viêm phổi, có một số người làm việc tại một chợ hải sản và động vật sống của TP Vũ Hán. Trong số 59 ca bệnh được báo cáo, có 7 bệnh nhân trong tình trạng nặng, một trường hợp tử vong và chưa có cán bộ y tế nào mắc bệnh. Thông tin có được tới thời điểm này cũng cho thấy chưa có bằng chứng nào về việc lây truyền giữa người và người.
Trong những tuần tới, chúng tôi cần có thông tin đầy đủ hơn để giúp hiểu rõ hơn về đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của vụ dịch. WHO và các đối tác vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ dịch và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Trung Quốc trong công tác điều tra, ứng phó với dịch bệnh này.
Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc nên nhiều người lo lắng dịch bệnh có khả năng xâm nhập. Vậy, Việt Nam cần làm gì để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, thưa ông?
+, Dựa trên những thông tin hiện có, WHO không khuyến cáo bất cứ biện pháp y tế cụ thể nào đối với khách du lịch, cũng không khuyến cáo việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với du lịch và giao thương với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vì giữa Vũ Hán và Việt Nam hàng tuần có khá nhiều các chuyến bay thương mại, Chính phủ Việt Nam nên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tiến hành đánh giá nguy cơ, tăng cường giám sát thông qua các hệ thống sẵn có như giám sát viêm phổi nặng nghi do virus, giám sát dựa vào sự kiện.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát năng lực của các phòng xét nghiệm để sẵn sàng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh tại các viện Pasteur trong khu vực, hoặc tại các bệnh viện trong nước; nâng cao nhận thức của cán bộ y tế; củng cố thực hành dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về nguy cơ bệnh dịch tới cộng đồng, đặc biệt là những người có kế hoạch đi tới hay trở về từ những vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
WHO tại Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh này.
WHO có khuyến cáo gì tới người dân để chủ động phòng, chống dịch bệnh?
+, Đây là thời điểm gần Tết nguyên đán, có lưu lượng người đi lại, gặp gỡ và tiệc tùng tăng cao. Vì vậy, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm thường gặp (hay còn gọi là các bệnh mùa đông xuân) có thể gia tăng, ví dụ cúm, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác.
Người dân cần thực hành các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cá nhân, giữ phép lịch sự khi ho (ví dụ: giữ khoảng cách, dùng khăn mùi xoa hay khăn giấy khi ho hay hắt hơi, và rửa tay); rửa ray thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với người ốm hoặc môi trường xung quanh họ.
Các biện pháp này sẽ giúp bảo vệ bạn tránh khỏi các bệnh mùa đông xuân cũng như bệnh viêm phổi do virus này, mặc dù nguy cơ xâm nhập của bệnh hiện tại là tương đối thấp.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2694034#ixzz6BIgWu0BH
http://www.xaluan.com/raovat