TPHCM phát hiện 2 ca sốt rét về từ châu Phi sau 2 năm dịch Covid-19

Hai trường hợp về từ Cameroon và Bờ Biển Ngà, là các bệnh nhân sốt rét “nhập cảnh” đầu tiên điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19.

Chiều 4/6, trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Phó Trưởng khoa Nhiễm Việt – Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, vừa qua nơi đây đã điều trị cho 2 trường hợp mắc bệnh sốt rét, nhập cảnh từ châu Phi. Đây cũng là các bệnh nhân sốt rét “nhập khẩu” đầu tiên mà bệnh viện ghi nhận, sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19.

Trường hợp đầu tiên là cô gái 24 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh), du học sinh trở về từ Cameroon (Trung Phi). Theo bệnh sử, bệnh nhân khởi phát sốt ngày một sau nhập cảnh, có đi bệnh viện nhưng uống thuốc không khỏi.

Ngày thứ 6 sau sốt, kết quả xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét. Bệnh nhân được đưa vào  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng nặng, vàng da, thiếu máu và nước tiểu có màu nâu đỏ.

TPHCM phát hiện 2 ca sốt rét về từ châu Phi sau 2 năm dịch Covid-19 - 1
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trường hợp thứ hai là một người đàn ông 63 tuổi (quốc tịch Trung Quốc), nhập cảnh vào TPHCM từ Bờ Biển Ngà. Bệnh nhân được xác định sốt rét ác tính với mật độ ký sinh trùng cao, biến chứng tổn thương gan thận, nhiễm toan axit lactic.

Theo bác sĩ Oanh sau thời gian dùng thuốc đặc trị sốt rét và theo dõi, chăm sóc tích cực, trường hợp nữ bệnh nhân ở quận Bình Thạnh đã xuất viện sau một tuần điều trị. Riêng người đàn ông Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục được theo dõi.

Bác sĩ Việt Oanh cho biết, trung bình một năm khoa Nhiễm Việt – Anh tiếp nhận khoảng 10 trường hợp sốt rét, đa phần là sốt rét thể thông thường (sốt rét cơn), hiếm gặp các trường hợp sốt rét ác tính.

TPHCM phát hiện 2 ca sốt rét về từ châu Phi sau 2 năm dịch Covid-19 - 2
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ muỗi Anophen. Bệnh cũng có triệu chứng sốt cao, nên nhiều người có thể nhầm là sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết tùy trường hợp nặng hay nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà và tự khỏi bệnh, nhưng sốt rét cần phải dùng thuốc đặc trị.

Nếu phát hiện chậm trễ, người mắc sốt rét, nhất là sốt rét ác tính có thể bị các biến chứng như suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nếu đi từ các vùng có dịch bệnh lưu hành ở nước ngoài (như châu Phi) hay trong nước (như Bình Phước, Tây Nguyên…) và có triệu chứng sốt cao từng cơn cần đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, người dân cần chú ý phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để ao tù, nước đọng làm môi trường cho muỗi sinh sống.

Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-phat-hien-2-ca-sot-ret-ve-tu-chau-phi-sau-2-nam-dich-covid-19-20220604145815501.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336