Qua 20 ngày siết chặt giãn cách xã hội, TP HCM ghi nhận biểu đồ ca nhiễm mới đi ngang nhưng vấn đề thành phố quan tâm nhất hiện nay là con số tử vong.
“Dịch vẫn phức tạp vì đã thấm sâu trong cộng đồng, số ca nhiễm gần đây có xu hướng giảm, đi ngang nhưng chưa bền vững”, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức nói, khi đánh giá về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn.
TP HCM những ngày qua đang áp dụng biện pháp mạnh nhất kể từ khi dịch xuất hiện. Người dân đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó, thành phố có 20 ngày áp dụng thêm các biện pháp tăng cường như cấm ra đường, ngưng các hoạt động không thiết yếu sau 18h…
Khoảng thời gian này, số ca F0 mới mỗi ngày trên địa bàn không còn “đột biến” ở mức 5.000-6.000 ca như trước đó mà duy trì con số gần 4.000, phần lớn trong các khu phong tỏa. Chẳng hạn, một tuần gần nhất từ 5/8, trung bình mỗi ngày, thành phố ghi nhận 3.687 ca nhiễm, trong đó 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% qua sàng lọc tại bệnh viện.
Nhìn từ các con số nhiễm của thành phố, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng nó không còn nhiều ý nghĩa. “Số ca bệnh ở TP HCM nhiều rồi. Làm truy vết, xét nghiệm diện rộng cũng không còn ý nghĩa nữa. Tất nhiên việc xác định số ca bệnh cũng có ý nghĩa dịch tễ, nhưng việc cần làm bây giờ là xác định số ca bệnh nặng, bệnh nhân có triệu chứng”, ông Phu nói và cho rằng thành phố cần tiếp tục giãn cách rất nghiêm mới dập dịch được.
Chung quan điểm, Phó chủ tịch Dương Anh Đức đánh giá, biện pháp giãn cách xã hội là quan trọng nhất, đảm bảo cách ly “nhà với nhà”, đặc biệt trong khu phong tỏa. Nếu thật sự giãn cách, nhà nào không có F0 sẽ được bảo vệ. “Chỉ cần giảm khoảng 50% số F0 trong khu phong tỏa, thành phố sẽ giảm hàng nghìn ca mỗi ngày”, ông nói.
Ông Đức đánh giá sau ngày 15/8, dự kiến số F0 mới vẫn ở mức 3.000 ca mỗi ngày. Nếu không quyết liệt, thành phố khó giữ kết quả đạt được, thậm chí tình hình xấu đi.
Ngoài các biện pháp xã hội mạnh, một trong những thay đổi quan trọng trong chiến lược chống dịch của TP HCM thời gian qua là bảo vệ vững chắc “vùng xanh” – nơi dịch chưa xuất hiện.
Đưa ra nhận định sau nhiều ngày làm việc ở phía Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, nhiều địa phương, trong đó có TP HCM chỉ lo dập dịch ở các điểm nóng mà không chú ý “vùng xanh”, khiến những khu vực an toàn ngày càng bị thu hẹp. “Bây giờ, nơi nào còn xanh, chúng ta phải giữ cho chắc”, ông Đam nói, yêu cầu thành phố vừa dập dịch ở các “vùng đỏ” (nơi nguy cơ rất cao), “vùng cam” (nguy cơ cao) và vừa giữ chắc “vùng xanh”.
Ngày 12/8, UBND thành phố ra nhiều quy định để bảo vệ nơi chưa xuất hiện dịch. Mỗi “vùng xanh” sẽ cấm người lạ ra vào, chỉ bố trí một lối lưu thông, đảm bảo kiểm soát 24/24… theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”. Người dân trong các khu vực thuộc vùng xanh phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực.
“Thành phố sẽ phát huy tốt hơn việc tự quản vùng xanh bằng cách nâng cao vai trò ý thức của mỗi cá nhân, bảo vệ vùng xanh và mở rộng để phủ xanh thành phố theo tinh thần “đã xanh càng xanh hơn, vàng thì chuyển lên xanh và đỏ thì chuyển màu dần để tiến về xanh”, ông Đức nói.
Cùng với siết chặt Chỉ thị 16, TP HCM cũng đẩy nhanh độ phủ vaccine cho hơn 7 triệu người ở nhóm tuổi trên 18, xem đây là “vũ khí” đối phó virus chủng Delta khi mà nó đang được đánh giá có khả năng xuyên thủng ba “lá chắn”: truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Tốc độ tiêm vaccine liên tục được đẩy nhanh, đặc biệt từ 31/7, khi TP HCM điều chỉnh kế hoạch. Nhờ những thay đổi về quy trình, tăng đội thực hiện lên 1.200, tiêm liên tục cả đêm…, ngày cao điểm TP HCM có thể tiêm hơn 310.000 liều vaccine. Nhiều quận huyện như Phú Nhuận, 11, Cần Giờ… đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi một cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương bùng phát dịch, khi tiến độ tiêm được đẩy cao, thành phố đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguồn vaccine dù trước đó đã kiến nghị Trung ương bổ sung 5,5 triệu liều trong tháng 8. Hết ngày 12/8, TP HCM đã hoàn thành khoảng 4,3 triệu liều được phân bổ và bắt đầu tiêm tiếp một triệu liều Sinopharm tự mua. Kế hoạch đặt mua những lô hàng mới như 5 triệu liều Moderna dự báo sẽ không có sớm. Thành phố đã kiến nghị Bộ Y tế có chủ trương cho phép thực hiện hợp tác công – tư, huy động nguồn lực xã hội, nhất là doanh nghiệp để nhanh chóng tiếp cận và mua được vaccine.
Nhưng lúc này, nhiệm vụ quan trọng nhất với TP HCM là giảm tử vong.
“Tỷ lệ tử vong đang ở mức cao, trung bình 241 ca/ngày”, ông Đức nói tại cuộc họp báo sáng 13/8. Công bố của Bộ Y tế cùng ngày nêu số tổng tử vong của TP HCM là 4.030 ca, số nhiễm là 140.288.
Mục tiêu ưu tiêu giảm tỷ lệ tử vong, giảm trường hợp chuyển biến nặng, được TP HCM đặt ra từ ngày 17/7 khi thành phố ghi nhận hơn 26.600 ca nhiễm
TP HCM triển khai 5 tầng điều trị từ giai đoạn này. Năng lực điều trị của TP HCM thời gian qua cũng liên tục được nâng cấp với sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hàng loạt bệnh điều trị F0 mới được thành lập với hơn chục nghìn giường bệnh; 3 Trung tâm Hồi sức Tích cực (ICU) với quy mô 1.500 giường do lực lượng y tế nhiều tỉnh thành chi viện cũng bắt đầu hoạt động.
Tuy nhiên, thành phố đang gặp khó khăn đối với nguồn nhân lực y tế. Thành phố cần bổ sung hơn 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch, Tổ điều phối nhân lực phòng, chống Covid-19 TP HCM cho biết hôm 10/8. Trong đó, đặc biệt cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
Đánh giá về tình hình điều trị của TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam 3 hôm trước, Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói “có tình trạng quá tải”. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao. “Hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải”, ông Thuấn nói.
Phó bí thư TP HCM Phan Văn Mãi cũng nói, năng lực tiếp cận và điều trị của hệ thống tế đã quá tải trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Thành phố phải tập trung ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm số ca chuyển nặng, giảm vùng đỏ.
Ông Mãi khẳng định trọng tâm chống dịch 30 ngày tới là điều trị để giảm tử vong với 2 trụ cột.
Thứ nhất là việc chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng (home-based care) với 5 yêu cầu như: Nắm chặt danh sách F0 tại xã, phường, thị trấn, ai ở nhà, ai ở khu thu dung; mỗi F0 phải có cán bộ y tế… thăm hỏi sức khỏe tại nhà; mỗi F0 có một suất thuốc; y tế cơ sở phản ứng nhanh trong trường hợp F0 có triệu chứng; hệ thống hóa lại toàn bộ ứng dụng công nghệ và kết nối với các tầng điều trị. “Việc này sẽ tác động đến 80% F0 trong chiến lược điều trị giảm tử vong. Đây là điểm mới”, ông Mãi nói.
Việc triển khai chăm sóc F0 tại nhà đã được thực hiện thời gian qua nhưng sắp tới sẽ đồng bộ và mạch lạc hơn. TP đặt mục tiêu quản lý có thể lên tới 90%, chỉ còn 10% cần điều trị, trong đó chỉ 5-7% chuyển nặng.
Trụ cột thứ 2 là điều trị từ tầng 2 đến tầng 5, trong đó mấu chốt là oxy. Thành phố sẽ rà soát lại nhu cầu oxy để người dân được sơ cấp cứu sớm, khi có triệu chứng thì được tiếp cận oxy, thuốc. Bộ Y tế quyết định và triển khai đồng bộ việc chỉ định dùng thuốc. Hệ thống bệnh viện dã chiến quận, huyện, trung tâm hồi sức phối hợp tổ chức lại nguồn lực để thực hiện trụ cột điều trị tại viện.
Dự kiến ngày mai, TP HCM công bố kế hoạch phòng chống Covid trong 30 ngày tới, tinh thần sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Chúng ta phải nhìn nhận tình hình đang diễn biến phức tạp, không phải để bi quan hay hoang mang mà để thấy chuyện này sẽ còn kéo dài. Chúng ta phải chịu khó, có tinh thần, tâm lý ‘trường kỳ kháng chiến’, trước mắt là đến 15/9, thậm chí chuẩn bị tâm lý dài hơn ở những cấp độ khác nhau”, Phó bí thư nói. “Đã chịu đựng rồi, đã hy sinh rồi thì cố gắng làm sao sự hy sinh đó đạt kết quả, còn nếu lúc này buông súng, không kiên trì nữa thì kết quả thời gian qua sẽ ‘đổ sông đổ biển’.
Hữu Công
Nguồn: https://vnexpress.net/tp-hcm-sau-20-ngay-siet-chat-4339434.html