TP HCM điều trị gần 2.900 F0 trẻ em

Trong số hơn 41.000 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Covid-19 tính đến ngày 3/9 có 2.890 F0 là trẻ em dưới 16 tuổi – cao nhất từ trước đến nay.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, lượng F0 trẻ em điều trị tại bệnh viện tăng 368 ca so với hôm trước. Thời gian qua, số này liên tục tăng mỗi ngày, tương ứng với tổng số F0 cũng tăng nhanh do chiến lược “thần tốc xét nghiệm toàn thành phố” để “vét” F0.

Hiện, trẻ em ở TP HCM mắc Covid-19 được cách ly điều trị tại nhà. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, trẻ được điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 4 (do Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách). Trường hợp diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến 3 viện nhi tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Bác sĩ Trần Thanh Thức, Đơn vị sàng lọc và điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết phần lớn trẻ em mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên gần đây, một số nước ghi nhận tỷ lệ ca nặng ở trẻ em tăng cao, đặc biệt trẻ nhỏ tuổi (dưới 12 tháng), béo phì hoặc có kèm nhiều bệnh lý nền nặng khác. Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 nặng ở nhiều lứa tuổi cũng như cơ địa khác nhau.

Một trường hợp nặng điều trị tại bệnh viện là bé sơ sinh 21 ngày tuổi, nhập viện vì sốt hai ngày kèm thở nhanh, bú kém, SpO2 88%, co lõm lồng ngực. Ông bà nội và bố sống chung nhà đều mắc Covid-19. Xét nghiệm PCR của bé cũng ghi nhận dương tính.

Bé được điều trị thở oxy, kháng sinh tĩnh mạch, thuốc kháng viêm Dexamethasone và thuốc chống đông máu. Các kết quả xét nghiệm sau đó ghi nhận tổn thương phổi lan tỏa hai bên. Ngày 3/9, bé đáp ứng tốt, đã ngưng thở oxy, bú tốt và nhịp thở bình thường theo tuổi.

Trường hợp nặng khác là bé gái 7 tháng tuổi, nặng 9 kg. Bé sốt cao 4 ngày, ho nhiều và test nhanh ở nhà phát hiện dương tính. Lúc nhập viện bé bứt rứt, thở nhanh, co lõm lồng ngực, SpO2 89%. Bé thở oxy, kháng sinh tĩnh mạch, diễn tiến suy hô hấp nặng dần. Ảnh chụp X-quang phát hiện viêm phổi nhiều hai bên, phản ứng viêm tăng cao, kèm xét nghiệm đông máu tăng.

Bé được thở NCPAP (thở áp lực dương qua mũi), đổi kháng sinh phổ rộng, thêm thuốc kháng viêm và kháng đông máu, hỗ trợ dinh dưỡng. Sau 10 ngày điều trị, bé đáp ứng tốt, tình trạng lâm sàng cải thiện, cai dần các liệu pháp hỗ trợ hô hấp và vừa được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.

Một trường hợp trẻ mắc Covid-19 nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Một bệnh nhi Covid-19 nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ảnh qua camera theo dõi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhiều F0 diễn tiến nặng là thiếu niên thừa cân, béo phì. Một số trường hợp khi vào viện đã tổn thương phổi hai bên nặng nề cần thở máy không xâm nhập. Mỗi ngày, nơi này điều trị trên 200 F0 trẻ em mức độ vừa và nặng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tình trạng trẻ béo phì gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chỉnh lại cân nặng thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền, tránh quá tải dịch. Béo phì cũng làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan, khó khăn trong việc vận chuyển bệnh…

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca trẻ em chiếm 10-15% tổng số trường hợp F0 khẳng định bằng xét nghiệm PCR. Phụ huynh cần lưu ý đi khám sớm khi thấy con sốt ho, đau rát họng, khó chịu… Chú ý chế độ ăn uống của trẻ, tránh dinh dưỡng quá mức gây thừa cân, béo phì, dễ phát sinh các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ suy hô hấp cao khi mắc bệnh.

Trong khi đó bác sĩ Trần Thanh Thức lưu ý, Covid-19 có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và trẻ em vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng, mặc dù tỷ lệ tương đối thấp hơn người lớn. Trẻ mắc Covid-19, đặc biệt là trẻ sơ sinh và nhũ nhi, cần được theo dõi sát để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng.

Dấu hiệu nặng ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi (dưới một tuổi) là trẻ thở nhanh (trẻ dưới 2 tháng nhịp thở từ 60 lần một phút trở lên; trẻ 2-11 tháng nhịp thở từ 50 lần một phút; trẻ 1-5 tuổi nhịp thở từ 40 lần mỗi phút). Ngoài ra cần cảnh giác khi trẻ thở rên, thở rít, thở co lõm ngực, tím tái, SpO2 dưới 94%, bỏ bú, bỏ ăn, nôn tất cả mọi thứ, li bì khó đánh thức, co giật, lơ mơ, hôn mê, sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.

Theo cơ sở dữ liệu COVerAGE của UNICEF từ 104 quốc gia, trong số 102 triệu ca Covid-19 (chiếm 47% tổng số ca toàn cầu), có khoảng 14,1 triệu ca là trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Ở nữ giới, trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi chiếm 14% ca dương tính nCoV. Con số tương tự ở nam giới.

Lê Phương – Thục Linh 

Nguồn: https://vnexpress.net/tp-hcm-dieu-tri-gan-2-900-f0-tre-em-4350827.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336