Sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19: Chuyên gia nói gì?

Trong số những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, có 1 trường hợp bị sốc phản vệ độ 3.

Điều tra nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đã ghi nhận 14 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Đáng chú ý, vào ngày 14/3, có 1 trường hợp được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm.

“Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vẫn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất, cũng như Tổ Chức Y tế Thế giới và các tổ chức có liên quan đến đảm bảo an toàn sau khi tiêm vắc xin”, đó là nhận định của GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội).

Sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19: Chuyên gia nói gì? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Theo GS Anh, khi tiêm vắc xin sẽ có một tỷ lệ phản ứng nhất định. WHO cũng đã có khuyến cáo cho các nước cần cân nhắc lợi ích của vắc xin và nguy cơ của dịch bệnh từ đó đưa ra phương án tốt nhất cho sức khỏe của người dân.

Trước việc ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19, GS Anh cho biết, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm thành lập các hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.

Với trường hợp bị sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19, theo ông, trước khi tiêm người này đã được thăm khám và chưa có thông tin cụ thể về bệnh lý nền. Phía địa phương được yêu cầu tiếp tục theo dõi và đánh giá nguyên nhân.

Sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19: Chuyên gia nói gì? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Tính đến 16h ngày 14/3, đã có 11.065 người là lực lượng chống dịch trên tuyến đầu được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Đây là những liều vắc xin của hãng AstraZeneca.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhập về tổng cộng 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Hiện đã tiêm được khoảng 1/10 lượng vắc xin kể trên. Cơ quan chức năng kì vọng đến cuối tháng 3 có thể hoàn thành tiêm vắc xin trong lô đầu tiên này.

“Theo kế hoạch, cuối tháng 3 sẽ có 1,4 triệu liều vắc xin và cuối tháng 4 sẽ có 2,5 triệu liều vắc xin tiếp tục về Việt Nam theo cơ chế COVAX. Trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, Việt Nam sẽ có tổng cộng 150 triệu liều”, GS Anh chia sẻ.

Sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19: Chuyên gia nói gì? - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhập về tổng cộng 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.

Cũng theo ông, vắc xin Covid-19 là loại vắc xin mới. Do đó, trong quá trình triển khai tiêm chủng sẽ đồng thời đánh giá tính an toàn của vắc xin, cũng như tiếp tục theo dõi số liệu từ các nước cũng đang triển khai tiêm chủng khác.

Vắc xin Covid-19 Việt Nam cùng công nghệ với vắc xin AstraZeneca?

Sáng nay, vắc xin phòng Covid-19 Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng đã triển khai tiêm thử nghiệm trên 6 tình nguyện viên đầu tiên.

Vắc xin Covivac được sản xuất bằng công nghệ vector tương tự như công nghệ sản xuất vắc xin của hãng AstraZeneca. Tuy nhiên, theo đại diện của IVAC vẫn có nhiều điểm khác biệt giữa 2 loại vắc xin này.

“Giá thể sử dụng của 2 loại vắc xin là hoàn toàn khác nhau. Trong khi AstraZeneca sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), vắc xin Covivac sử dụng vector virus Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Covivac sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin. Trong khi đó, AstraZeneca dùng công nghệ nuôi cấy tế bào”, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC phân tích.

Sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin Covid-19: Chuyên gia nói gì? - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Vắc xin Covivac do IVAC phát triển.

Theo GS Đặng Đức Anh, công nghệ sản xuất vắc xin bằng nuôi cấy trên trứng gà có phôi của IVAC là công nghệ đã được thẩm định. Bên cạnh đó, IVAC cũng có nhà máy đạt tiêu chuẩn để có thể sản xuất vắc xin Covid-19 ở thời điểm này.

“Hy vọng sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu, chúng ta có thể sản xuất vắc xin ngay tại Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch”, GS Anh nhấn mạnh.

Minh Nhật\

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/soc-phan-ve-do-3-sau-tiem-vac-xin-covid-19-chuyen-gia-noi-gi-20210315123407259.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336