Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B tấn công gan và có thể gây ra viêm gan cấp và viêm gan mạn tính.
Ước tính có hơn 686.000 người chết mỗi năm do biến chứng của bệnh viêm gan B, bao gồm xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan B cấp tính hầu hết diễn biến âm thầm. Một số người có thể gặp các triệu chứng như: vàng da – vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng. Một số ít bệnh nhân có thể tiến triển thành suy gan cấp tính, dẫn đến tử vong.
Theo Ths.Bs Nguyễn Hương Trà – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội – Viêm gan B cấp tính trong thai kỳ thường là không nghiêm trọng và không liên quan đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ thai bất thường, do đó không cần phải cân nhắc đình chỉ thai nghén.
Trong khi đó, viêm gan B mạn tính dù không ảnh hưởng nhiều đến thai kỳ, nhưng tình trạng của sản phụ có thể nặng lên trong thai kỳ nếu viêm gan B mạn tính gây xơ gan hoặc tổn thương gan.
Đáng chú ý, mẹ mắc viêm gan B có thể lây truyền sang con ngay trong tử cung, khi sinh hoặc sau sinh.
“Tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ bú mẹ đã mắc bệnh có thể lên tới 90%, nếu trẻ không nhận được bất cứ hình thức dự phòng nào. Trong khi đó, việc dự phòng lây truyền mẹ sang con có thể làm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm Viêm gan B từ 90% xuống còn 5%”, BS Trà nhận định.
Do đó, theo chuyên gia này, việc dự phòng lây nhiễm viêm gan B sang con ở sản phụ mắc bệnh là đặc biệt quan trọng.
Biện pháp dự phòng trong quá trình mang thai
Theo BS Khi mang thai, sản phụ cần chú ý những xét nghiệm sau để kịp thời phát hiện viêm gan B và theo dõi diễn tiến bệnh (nếu mắc):
– Làm xét nghiệm HBsAg cho lần khám thai đầu tiên.
– Làm xét nghiệm lại cuối thai kỳ cho những người có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B.
– Làm xét nghiệm định lượng virus hoặc đếm tải lượng virus ở tuổi thai 24-28 tuần và 36 tuần trước khi sinh, nếu mẹ nhiễm viêm gan B mạn tính.
Sản phụ có định lượng HBsAg cao hoặc nồng độ HBV – DNA cao nên được điều trị kháng virus, để làm giảm nguy cơ lây truyền mẹ con và nguy cơ bệnh gan tiến triển trong quá trình mang thai.
Biện pháp dự phòng sau khi sinh
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ
WHO và các hiệp hội sản phụ khoa các nước đều khuyến cáo tất cả trẻ em đều cần được tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt, trong vòng 24h sau khi sinh.
Vắc xin có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và sự phát triển của bệnh ung thư và viêm gan mạn tính do virus viêm gan B; bảo vệ ít nhất là 20 năm và có thể là suốt đời. WHO không khuyến cáo tiêm chủng nhắc lại cho người đã hoàn thành lịch trình tiêm chủng 3 liều
Tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ
Bên cạnh vắc xin, trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B được khuyến cáo tiêm huyết thanh HBV càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi sinh. Sau đó tiêm thường quy loạt 3 liều vắc xin HBV tái tổ hợp trong 6 tháng đầu đời.
“Theo khuyến cáo của CDC và WHO, tất cả những bà mẹ nhiễm HBV đều được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, do những lợi ích mang lại vượt trên nguy cơ lây truyền virus qua sữa mẹ”, BS Trà nhấn mạnh.
Minh Nhật
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/san-phu-can-lam-gi-de-bao-ve-con-truoc-virus-gay-benh-gan-nguy-hiem-20201227160854984.htm