Một số nước ‘sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam’

Một số nước trên thế giới đã xác nhận “sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam”, theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn.

Tại cuộc họp báo chiều 5/5, ông Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để tiếp cận, mua vaccine, “kể cả qua các kênh trực tiếp và gián tiếp”.

Dự kiến trong năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có các nguồn vaccine gồm: 38,9 triệu liều Astra Zeneca do chương trình Covax hỗ trợ; 30 triệu liều Astra Zeneca do VNVC đặt mua. Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán với Pfizer để có 31 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021. Một số nước, tổ chức cũng xác nhận sẽ viện trợ Việt Nam khoảng 2 triệu liều.

Đặc biệt, ông Thuấn thông báo một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, đơn cử Nhật Bản. “Sắp tới tôi sẽ sang Nhật Bản để đàm phán và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường sẽ đi Nga đàm phán mua vaccine”, ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn, trong tháng 5/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất cho Việt Nam, là công nghệ mRNA. “Trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác”, ông Thuấn cho hay.

Tiêm thử nghiệm lần 2 vaccine Covid-19 Nanocovax, tháng 2/2021. Ảnh: Giang Huy

Tiêm thử nghiệm lần 2 vaccine Covid-19 Nanocovax, tháng 2/2021. Ảnh: Giang Huy

Về việc sản xuất vaccine trong nước, hai đơn vị đang tiến hành thử nghiệm. Trong đó Vaccine Nano Covax sắp thử nghiệm giai đoạn 3. “Nếu không may dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine Nano Covax khi đã thử nghiệm thành công được một nửa ở giai đoạn thứ 3”, ông Thuấn thông tin.

Về vấn đề hộ chiếu vaccine, ông Thuấn nói Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị nghiên cứu biện pháp phòng dịch khi áp dụng loại hộ chiếu này.

“Đây là vấn đề đang được nhiều nước xem xét. Hiện chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine với các biến chủng virus. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine chỉ nên áp dụng khi đạt được miễn dịch cộng đồng (70% số dân) nhờ tiêm vacicne”, ông Thuấn phân tích.

Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về thời điểm phù hợp áp dụng hộ chiếu vaccine với quan điểm an toàn người dân đặt lên hàng đầu.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, cả hệ thống chính trị là “phòng chống dịch triệt để, có hiệu quả, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho nhân dân”.

Theo ông, đến nay dịch bệnh cơ bản “trong tầm kiểm soát”, tuy nhiên dự báo tình hình tiếp tục phức tạp và kéo dài. Do vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương, người dân phải luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác và không bi quan, hoảng hốt.

“Chống dịch phải thực chất, cụ thể, tuyệt đối không hình thức, phô trương”, ông Sơn nêu rõ.

Các cơ quan chức năng tuyệt đối không bao che, nể nang và sẽ xử lý nghiêm, không có ngoại lệ đối với các trường hợp vi phạm làm lây nhiễm dịch bệnh, nhập cảnh trái phép, không tuân thủ cách ly y tế; có thể xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 15/5, toàn bộ số vaccine Covid hiện có của Việt Nam sẽ được tiêm, không để quá hạn, bảo đảm an toàn. “Sáng nay Chính phủ thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine, giao Bộ Y tế trong tháng 5 phải hoàn chỉnh”, ông Sơn thông tin.

Chính phủ cũng đã bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine Covid-19.

Cùng với việc kéo dài thời gian cách ly lên 21 ngày, thay vì 14 ngày so với trước đây, Chính phủ đồng ý người Việt Nam từ các nước láng giềng khi về nước bằng đường bộ, sẽ được Nhà nước hỗ trợ cách ly y tế, gồm chi phí đưa đón đến cơ sở cách ly, xét nghiệm sàng lọc, tiền ăn ở…

Hôm nay 5/5 thêm 26 ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay ghi nhận ở 10 tỉnh thành là 56 ca, gồm Hà Nam và Vĩnh Phúc đều 14, Hà Nội 5, Hưng Yên và Đà Nẵng đều 2, TP HCM, Quảng Nam, Đồng Nai, Hải Dương và Yên Bái đều một ca, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 14.

Tổng số ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch lên 3022, số khỏi 2.560.

Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 2/5 có thêm 46.477 người tiêm vaccine Covid-19, nâng tổng số người được tiêm lên 585.539 người tại 48 tỉnh thành phố.

Viết Tuân – Anh Minh – Hoàng Thùy

Nguồn: https://vnexpress.net/mot-so-nuoc-se-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vaccine-cho-viet-nam-4273198.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336