Điều trị sớm đái tháo đường thai kỳ tránh biến chứng

Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ từ tuần 24, cần theo dõi vì có thể gây biến chứng cho mẹ và con, nếu không điều trị có khả năng tử vong.

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ mang thai, do sự thay đổi nội tiết của cơ thể người mẹ dẫn đến tăng đề kháng với insulin. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24-28. Đái tháo đường mang thai tương tự như đái tháo đường thai kỳ nhưng lượng đường trong máu cao hơn, có thể có từ trước mang thai mà không được phát hiện hoặc khi người phụ nữ mang thai thì mắc bệnh.

TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đái tháo đường thai kỳ rất phổ biến, có ít nhất khoảng 10-15% phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ nên tuân thủ thăm khám định kỳ để được phát hiện và điều trị bệnh, phòng biến chứng nguy hiểm cho mẹ và con. Thông thường, lượng đường trong máu của phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, người mẹ sẽ tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 trong tương lai. Có khoảng 6,5% người mẹ sau khi sinh chuyển thành đái tháo đường type 2, cần được phát hiện và điều trị sớm.

Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và phát hiện đái tháo đường thai kỳ ở tuần thứ 22. Chị được bác sĩ Ước tiêm insulin 4 mũi một ngày từ tuần 22 đến lúc sinh, tổng liều insulin cao nhất tới 60 đơn vị một ngày. Nhờ đó, lượng đường trong máu suốt thai kỳ duy trì ở mức ổn định.

Sau sinh 6 tuần, kết quả kiểm tra cho thấy, chị bị đái tháo đường type 2, tiếp tục điều trị bằng insulin, thuốc… trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và khi cai sữa. Sau 3 tháng không dùng thuốc, chỉ ăn uống và tập luyện, đường máu của chị vẫn ở mức bình thường. Nhờ được phát hiện bệnh và điều trị sớm, người bệnh khỏi đái tháo đường sau gần 2 năm sinh con.

Điều trị sớm đái tháo đường thai kỳ tránh biến chứng
TS.BS Hoàng Kim Ước tư vấn về đái tháo đường thai kỳ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ Ước chia sẻ thêm, nếu không điều trị tốt, đái tháo đường ở mẹ làm tăng nguy cơ con bị béo phì, đái tháo đường type 2 sau này cũng như gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh khá to (thường trên 4 kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc không thể sinh thường. Thai phụ cũng có nguy cơ chuyển dạ và sinh con sớm. Ngoài ra, trẻ có mẹ đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường mang thai có nguy cơ bị suy hô hấp, hạ đường huyết khi chào đời, tử vong ngay sau khi sinh.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường mang thai ít khi có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện trong những lần thăm khám thai định kỳ. Tuy nhiên, những triệu chứng cần lưu tâm bao gồm: tiểu nhiều lần trong ngày, mệt mỏi, mờ mắt, khát nước liên tục, ngủ ngáy, tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị. Nguy cơ cao hơn nếu thai phụ trên 35 tuổi, thừa cân béo phì trước khi mang thai, có người thân mắc bệnh đái tháo đường type 2, bị tiền tiểu đường, tiền sử sinh con to trên 4 kg…

Theo bác sĩ Ước, để giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé do đái tháo đường gây ra, phương pháp điều trị quản lý đường máu trong thai kỳ rất quan trọng. Thai phụ sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, trước và sau bữa ăn 1-2 giờ nhằm xem xét hiệu quả đáp ứng với phác đồ của bác sĩ. Lượng đường trong máu an toàn là dưới 5,3 mmol/L trước khi ăn, một giờ sau ăn cần dưới 7,8 mmol/L, 2 giờ sau ăn nên dưới 6,7 mmol/L. Thai nhi cần được theo dõi sát sao kích thước trong những tuần thai cuối.

Thai phụ khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường mang thai ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ cần thực hiện các bài tập ở mức độ phù hợp khoảng 15-30 phút mỗi ngày. Chị em nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách nạp lượng calo vừa đủ, từ 2.200-2.500 một ngày nếu có cân nặng trung bình. Nếu mẹ bầu thừa cân cần giảm xuống khoảng 1.800 calo một ngày.

Thanh Ba

Nguồn: https://vnexpress.net/dieu-tri-som-dai-thao-duong-thai-ky-tranh-bien-chung-4594720.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336