Diễn biến mới dịch Covid có đáng lo ngại?

Covid-19 có thể còn gây ra các làn sóng dịch mới do virus tiếp tục đột biến, nhưng tác hại của chúng thì giảm dần.

Mấy ngày nay dịch Covid 19 có nhiều tin tức đáng ngại. Ở Việt Nam sau nhiều ngày con số người mắc liên tiếp giảm thì ngày 21/7 lại tăng trên 1.300 ca mới nhiễm. Trên thế giới số mắc Covid 19 cũng tăng trở lại. Cùng ngày, thế giới ghi nhận tăng thêm 1 triệu ca mới mắc, trong đó châu Á tăng 360.000 ca, châu Âu tăng 340.000 ca, Bắc Mỹ 220.000 ca. Số liệu trên khiến nhiều người lo ngại và câu hỏi được đặt ra là liệu đại dịch chết chóc này có một lần nữa quay lại hay không và chúng ta phải làm gì bây giờ?

Trước hết xét về số lượng thì thế giới đang bước vào một đợt dịch Covid 19 mới. Tính từ khi phát hiện đến nay dịch Covid-19 đã trải qua 4 làn sóng, với số lượng mắc cao nhất tại đỉnh lên tới hàng triệu ca mỗi ngày. Ngày 22/7/2022, con số mắc là trên 1 triệu ca. Như vậy có thể thấy thế giới đang bước vào làn sóng dịch thứ 5, và con số này có thể vẫn chưa là đỉnh, chúng ta cần theo dõi diễn biến những ngày tiếp theo.

Diễn biến mới dịch Covid có đáng lo ngại? - 1
Người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Ở Việt Nam sau 2 tháng con số mắc toàn quốc mỗi ngày đều dưới 1.000 ca, thì 4 ngày liên tiếp gần đây con số trên 1.000 ca. Tuy nhiên so với đỉnh dịch tháng 9/2021 con số mắc mới mỗi ngày là 10.000 ca. Hoặc so với đỉnh dịch cao nhất từ trước tới nay là trung tuần tháng 3 năm 2022 trung bình mỗi ngày có 200.000 ca mắc mới, thì con số mắc mỗi ngày hiện nay chưa đáng lo ngại.

Số mắc mới chưa đáng lo ngại nhưng chúng ta nên cảnh giác. Tuy Việt Nam là một trong số ít quốc gia có số người tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, nhưng virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến sinh ra các biến chủng mới, có thể lẩn tránh sự đề kháng của vaccine. Số lượng người mắc tăng lên gần đây có lẽ liên quan đến biến chủng mới của Omicron Ba.5.

Chúng ta đều biết virus khi tự nhân lên sẽ có sai sót, gọi là đột biến. Vì thế hiện tượng virus sinh ra biến chủng mới là tất nhiên và không bao giờ dừng lại. Nếu thế thì có lẽ chúng ta mãi mãi sống trong lo âu một ngày nào đó con virus này lại gây ra một trận bão chết chóc mới chăng. Mà cứ sống trong lo âu như vậy thì chúng ta không bao giờ có thể quay về với cuộc sống sinh hoạt bình thường như trước kia.

May mắn thay các nhà khoa học đã có hiểu biết về chiều hướng tiến hóa của virus. Đó là tất cả các virus đều tiến hóa theo hướng giảm dần độc lực nhưng dễ lan truyền hơn. Thật vậy, virus sống nương nhờ vật chủ, nếu virus quá độc thì vật chủ chết hết và virus cũng chết theo, không còn lan truyền được nữa. Nhìn lại lịch sử, virus SARC gây tử vong cao tới 10% thì chỉ sau 1 năm đã tự nhiên biến mất, còn virus cúm mùa chỉ làm tử vong khoảng 0,1% nên tồn tại lâu dài. Virus SARS-CoV-2 ban đầu có tỷ lệ gây tử vong khá cao, khoảng 2%, đến biến chủng Omicron thì khả năng gây tử vong đã giảm nhiều, thấp hơn 70% so với chủng Delta trước đó.

Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể cấu tạo khác với chủng ban đầu ít nhiều, vì thế vaccine được tạo ra để chống lại các biến chủng cũ sẽ ít tác dụng trước các biến chủng mới. Nhưng cho đến hiện nay, quan sát thấy các vaccine tuy giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, nhưng vẫn có hiệu quả trong ngăn bệnh trở nặng và tử vong. Điều này đã được chứng minh qua các thống kê, đợt dịch ở Việt Nam vào tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, khi hầu như người dân chưa tiêm vaccine thì con số tử vong là rất cao. Đến đợt dịch tiếp theo vào tháng 3 năm 2022 do chủng mới Omicron, khi số người tiêm vaccine đủ liều đạt 70% dân số, thì số người tử vong giảm hàng chục lần cho dù số mắc mới còn cao hơn trước.

Như vậy theo kiến thức khoa học và kinh nghiệm từ quá khứ, chúng ta thấy trong tương lai dịch Covid-19 có thể còn gây ra các làn sóng dịch mới do virus tiếp tục đột biến sinh ra các biến chủng mới. Nhưng tác hại của chúng thì giảm dần và đến một lúc nào đó sẽ giống như cúm mùa mà thôi.

Hiện rất nhiều người trong chúng ta đã tự kiểm chứng điều này. Hầu hết người mắc Covid-19 từ đợt dịch tháng 3 năm 2022 đến nay đều cho biết trải nghiệm bệnh khá nhẹ nhàng, chỉ ngạt mũi khan giọng đau người vài hôm rồi hết. Giống như một đợt cúm. Chỉ có rất ít người trở nặng, thường là người chưa tiêm vaccine hoặc có bệnh nền nặng từ trước. Thậm chí trong 2 tuần gần đây trên cả nước số người tử vong do sốt xuất huyết còn cao hơn Covid-19 nhiều.

Cùng với các yếu tố: Độc lực của virus giảm dần, lượng người tiêm vaccine ngày càng nhiều thì yếu tố kinh nghiệm của ngành y trong điều trị các ca Covid nặng ngày càng phong phú. Chúng ta đã có thêm nhiều biện pháp để cứu chữa như các thuốc chống sao chép virus, các kháng thể đơn dòng, các biện pháp hồi sức… tất cả sẽ giảm tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 gây ra.

Với những phân tích ở trên cùng với kinh nghiệm cá nhân, diễn biến gần đây của dịch Covid-19 với các biến chủng mới, theo tôi không có gì đáng lo ngại. Cảnh tượng một đợt dịch chết chóc, gây khủng hoảng cả xã hội như hồi tháng 9 năm 2021 sẽ không bao giờ lặp lại. Cảnh tượng đó một trăm năm chỉ xảy ra một lần thôi.

Vì thế chúng ta hãy tiếp tục bình tĩnh sống, không nên quá lo sợ. Ngành y tế tiếp tục làm công tác gác cổng, chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra. Còn với mỗi cá nhân, để bảo vệ bản thân chúng ta nên tiếp tục đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người và đi tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Nguồn: https://dantri.com.vn/blog/dien-bien-moi-dich-covid-co-dang-lo-ngai-20220724223234918.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336