Có xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm đột quỵ không?

Đột quỵ dường như xuất hiện đột ngột, nhưng hầu hết chúng xảy ra do tổn thương mạch máu kéo dài nhiều năm và sự phát triển của mảng bám làm tắc nghẽn động mạch.

Vậy có xét nghiệm nào giúp cảnh báo sớm đột quỵ không?

Theo Trường Y Harvard (Mỹ), câu trả lời là “có và không”. Một xét nghiệm gọi là siêu âm động mạch cảnh có thể phát hiện sự tích tụ mảng bám trong động mạch cảnh ở cổ. Những động mạch này cung cấp máu cho não.

Đây là một kỹ thuật siêu âm không xâm lấn sử dụng sóng âm thanh tần số cao, nhanh chóng, an toàn và không có bất kỳ nguy cơ gây hại tức thời nào. Nó đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đang bị choáng váng, mất trí nhớ hoặc có các dấu hiệu cảnh báo về một cơn đột quỵ nhỏ.

Có xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm đột quỵ không? - 1
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn (Ảnh minh họa: Health).

Việc siêu âm động mạch cảnh cũng có ý nghĩa đối với bất kỳ ai được bác sĩ nghe thấy âm thanh bất thường như tiếng vù vù gọi là có tiếng thổi khi nghe qua ống nghe được áp vào động mạch cảnh.

Đây cũng là một kỹ thuật được chỉ định khi một người có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, chẳng hạn như từng có cơn đột quỵ nhỏ, huyết áp cao, cholesterol cao hoặc tiểu đường. Nhưng siêu âm động mạch cảnh không phải là ý tưởng hay đối với những người khỏe mạnh có nguy cơ đột quỵ ở mức trung bình.

Nhóm chuyên trách các dịch vụ dự phòng Mỹ không khuyến khích siêu âm định kỳ động mạch cảnh. Chỉ có khoảng 1% dân số nói chung bị hẹp đáng kể các động mạch này. Và ít hơn 10% số ca đột quỵ lần đầu có liên quan đến những điểm thu hẹp như vậy.

Ngoài ra, cứ 100 lần siêu âm thì có khoảng 8 trường hợp cho kết quả dương tính giả, kết quả cho thấy có sự thu hẹp đáng kể nhưng thực tế không có. Kết quả dương tính giả dẫn đến các xét nghiệm không cần thiết và có thể là điều trị không cần thiết.

Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao hơn hay không để nhận thức sớm các dấu hiệu cảnh báo.

Theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), các dấu hiệu giúp nhận biết đột quỵ não gồm:

– Tê, yếu hoặc liệt hoàn toàn tay chân một bên cơ thể, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác nặng, mỏi…

– Liệt một bên mặt, méo miệng.

– Xuất hiện những thay đổi về tri giác như lừ đừ, lơ mơ hay thậm chí hôn mê.

– Thay đổi dáng đi, mất đồng bộ và khả năng phối hợp vận động.

– Rối loạn giọng nói, nói khó hoặc nặng hơn là không thể nói chuyện được.

– Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm hoặc có thể ngất xỉu.

– Một số trường hợp có thể bị đau đầu nhẹ.

– Rối loạn trí nhớ, quên thoáng qua.

– Co giật.

Càng sớm nhận ra dấu hiệu đột quỵ và điều trị kịp thời càng tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh cũng như hạn chế được các biến chứng nặng.

Các dấu hiệu của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không có thời gian để hành động. Một số người sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước khi bị đột quỵ nghiêm trọng.

Một nghiên cứu cho thấy 43% bệnh nhân đột quỵ trải qua các triệu chứng đột quỵ nhẹ khoảng một tuần trước khi họ bị đột quỵ nặng. Nếu bạn lưu ý đến những triệu chứng này và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi chúng biến mất thì cơ hội phục hồi của bạn sẽ cao hơn nhiều. Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm.

Bạn sẽ không phản ứng thái quá nếu có sự thay đổi khi bạn bị cơn đột quỵ nhẹ. Bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức vì cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày.

Bên cạnh đó, để dự phòng bệnh chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế bia rượu, không hút thuốc, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch…

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-xet-nghiem-nao-giup-phat-hien-som-dot-quy-khong-20231019085655905.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336