Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM

Sau hơn 2 tuần chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, những chỉ số về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM có nhiều biến động đáng chú ý. Điểm sáng trong quãng thời gian này là số bệnh nhân được xuất viện lên tới hàng nghìn người mỗi ngày.

Gần 60 ngày căng sức chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 và áp dụng giãn cách xã hội với nhiều mức độ, TPHCM chính thức công bố việc chuyển dần sang chiến lược điều trị, tập trung nguồn lực chăm sóc các F0 chuyển nặng, hạn chế đến mức tối thiểu số ca tử vong.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh mỗi ngày, thành phố triệu dân ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 mới. Dù đã có những chuẩn bị kỹ càng, nguồn nhân lực, vật lực ngành y trên địa bàn đã có những dấu hiệu quá tải trước áp lực lớn.

Cách ly F1 tại nhà, chuẩn bị cho thí điểm theo dõi, chăm sóc F0 tại địa bàn, nơi cư trú, áp dụng phân chia 5 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 là những bước đệm để thành phố thay đổi chiến lược từng áp dụng trong suốt quá trình phòng, chống dịch Covid-19.

Với những sự sắp xếp khoa học, bài bản, chiến lược mới được kỳ vọng sẽ giảm tải phần nào áp lực cho những đơn vị “tuyến đầu của tuyến đầu”.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được chia lửa, những thành trì cuối cùng bảo vệ tính mạng cho các F0 là những bệnh viện điều trị, hồi sức Covid-19 tại tầng điều trị thứ 5 cũng đứng trước những khó khăn về nhân sự, bác sĩ có chuyên môn chuyên sâu và hệ thống trang, thiết bị chuyên dụng.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thành trì cuối cùng bảo vệ tính mạng cho các F0 là những bệnh viện điều trị, hồi sức Covid-19 tại tầng điều trị thứ 5 đứng trước những khó khăn về nhân sự (Ảnh minh họa: Hải Long).

Các tầng điều trị dần không còn chỗ trống

Chiều 5/8, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, việc số người cần điều trị và số bệnh nhân nặng ngày càng tăng đang khiến ngành y đứng trước áp lực chưa từng có.

“Năng lực tiếp nhận của nhân sự cùng cơ sở vật chất có giới hạn. Để đáp ứng sự gia tăng về người mắc Covid-19 và bệnh nhân chuyển nặng, nguồn lực y tế không chỉ cần tăng cơ học là đủ mà còn phải tổ chức lại, phối hợp tốt hơn để rút ngắn thời gian, quy trình”, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện tại cả 5 tầng điều trị có tổng công suất là hơn 45.000 giường, trong đó hơn 33.000 giường đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Số giường trống chủ yếu tập trung ở tầng điều trị thứ 2, các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân có bệnh nền và xử trí dấu hiệu chuyển nặng trước khi chuyển lên tầng trên.

Đối với các tầng còn lại, hầu hết giường bệnh đã được lấp đầy, hoặc gần đạt công suất tối đa. Đặc biệt, tại tầng điều trị thứ 5, các bệnh viện hồi sức chuyên sâu cho bệnh nhân nguy kịch, đang điều trị cho 1.450 bệnh nhân, vượt quá công suất 1.438 giường vốn có.

Trong bản báo cáo đầu tháng 8 của Tổ điều phối nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng của tổ nêu rõ, thành phố cần bổ sung hơn 12.000 nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần thêm hơn 2.600 người; khối điều trị cần thêm hơn 8.400; khối cấp cứu cần thêm 1.000 người, cùng 100 xe cấp cứu và 200 taxi vận chuyển bệnh nhân.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Một số nhân viên y tế ở Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 quy mô 1.000 giường (tại khu nội trú Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2)  mệt nhoài sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, dựa tạm vào tường để nghỉ ngơi trong chốc lát (Ảnh: Hải Long).

Theo nhận định của tổ điều phối, trong hơn 2 tháng qua, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức khỏe.

Dù đã nhận được những sự chi viện lớn từ Trung ương và các tỉnh, thành trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 5, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, sự hỗ trợ ấy cũng chỉ có giới hạn nhất định.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thành phố cần phát huy tinh thần 5 tại chỗ với những giải pháp, sự sắp xếp khoa học, bài bản hơn để phục vụ công tác tiếp nhận, điều trị trong thời gian tới.

Những chỉ số biến động

“Thành phố xác định, khi chuyển sang chiến lược điều trị, việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn. Điều quan trọng là bao nhiêu ca đã khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng, tử vong… để có biện pháp trong điều trị và ngăn chặn” – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo ngày 3/8.

Thực tế cho thấy, trong hơn 2 tuần công bố chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, ngoài số lượng ca mắc mới, một số chỉ số về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM có nhiều chuyển biến đáng chú ý.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Hàng nghìn người được chữa khỏi Covid-19 xuất viện mỗi ngày qua tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Một trong số tín hiệu đáng mừng của thành phố là số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi có chiều hướng gia tăng.

Từ ngày 22/7 đến 26/7, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện trên địa bàn luôn lớn hơn 2.000 người mỗi ngày. Từ ngày 27/7 tới nay, con số này đạt trung bình khoảng 3.000 người/ngày. Đặc biệt vào ngày 27/7, toàn địa bàn có hơn 4.000 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi.

Số lượng ca được điều trị khỏi đã vượt qua dự báo của TPHCM theo cách khả quan nhất. Trong ngày 21/7, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trong thời gian tới, thành phố có thể ghi nhận khoảng 1.000 người xuất viện mỗi ngày nếu đảm bảo được công tác điều trị.

Song song với những chỉ số đáng mừng đó là những con số đáng lo. Số lượng ca tử vong, ca nặng và cần can thiệp ECMO chưa có chiều hướng giảm.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số ca tử vong do dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM có xu hướng tăng dần trong quãng thời gian từ ngày 23/7 đến hết 4/8.

Cụ thể, từ ngày 23/7 đến ngày 27/7, thành phố ghi nhận dưới 100 trường hợp tử vong mỗi ngày do SARS-CoV-2. Từ ngày 28/7 đến hết 4/8, con số này đã vượt qua 100 người/ngày.

Bên cạnh đó, những bệnh viện điều trị Covid-19 các tầng, đặc biệt là tầng 5 cũng gặp áp lực lớn bởi số lượng bệnh nhân chuyển nặng và trường hợp cần can thiệp ECMO (máy chạy tim, phổi nhân tạo).

Ngày 24/7, ngành y tế thành phố ghi nhận 562 mắc Covid-19 chuyển biến nặng, 11 bệnh nhân cần can thiệp ECMO. Tính đến ngày 6/8, số bệnh nhân nặng tại địa bàn là 1.316 người, số trường hợp cần can thiệp ECMO là 15 người.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Tính đến ngày 6/8, số bệnh nhân nặng tại địa bàn là 1.316 người, số trường hợp cần can thiệp ECMO là 15 người (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, khi chuyển sang chiến lược tập trung điều trị, việc giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 là bài toán thành phố đang phải đối mặt. Ông Phan Văn Mãi cũng thừa nhận, một số nơi, một số lúc còn tình trạng ngành y chưa đáp ứng kịp thời.

“Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy khâu tiếp nhận, vận chuyển, xử trí tại tầng 3 là nơi có nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ và trang, thiết bị y tế. Đây là khâu có nhiều nguy cơ nhất”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích.

Sắp xếp lại để nâng cao năng lực

Trong bối cảnh cơ sở vật chất có hạn, số lượng bệnh nhân mắc mới vẫn gia tăng mỗi ngày, việc xây dựng, thành lập đơn vị điều trị mới cần thời gian nhất định, thì phương án tối ưu của TPHCM là sắp xếp, tổ chức lại những nguồn lực hiện có.

“Trong các tầng điều trị Covid-19, các tầng 3, 4, 5 đã gần như hết công suất. Thành phố phải tập trung tổ chức, rút ngắn quy trình, sắp xếp lại không gian để tiếp nhận người bệnh. Sự liên thông giữa các tầng điều trị cần được đảm bảo”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nêu định hướng.

Một trong những giải pháp cụ thể được ông Phan Văn Mãi đưa ra là các bệnh viện không điều trị Covid-19 có thể tiếp nhận bệnh nhân từ các đơn vị khác để đơn vị ấy chuyển đổi không gian sang điều trị Covid-19.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Trong các tầng điều trị Covid-19, các tầng 3, 4, 5 đã gần như hết công suất (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục mở rộng trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Thời gian tới, 3 bệnh viện thuộc tầng 2 với quy mô 1.000 giường sẽ được nâng cấp lên tầng 3 để tập trung cho công tác điều trị.

Đối với công tác vận chuyển bệnh nhân, chính quyền thành phố yêu cầu các bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng 3 và tầng 4 luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi xe cấp cứu điều phối đến. Các đơn vị này tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân trong mọi tình huống.

Nhận định về sự thay đổi chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, chuyển trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch không đồng nghĩa với việc ngừng quan tâm các ca mắc mới. Hiện tại, thành phố vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách triệt để hơn nhằm ngăn chặn nguồn lây.

“Chúng tôi muốn đặt vấn đề ở đây là quan tâm nhiều hơn đến số ca điều trị, số ca chuyển nặng, số ca tử vong. Từ những số liệu trên, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, giải pháp điều trị, cứu người”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Chiến lược tổng lực giảm F0 nặng, tử vong ở TPHCM - 6

Nhấn để phóng to ảnh

Quang Huy

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chien-luoc-tong-luc-giam-f0-nang-tu-vong-o-tphcm-20210807131917907.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336