Bệnh nhân cộng đồng ở Vĩnh Phúc nhiễm biến chủng Ấn Độ

Kết quả giải trình tự gene 3 mẫu virus bệnh nhân Covid-19 ở Vĩnh Phúc thuộc biến chủng B.1.617 Ấn Độ; mẫu bệnh nhân liên quan Hà Nam nhiễm biến chủng Anh.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng Ấn Độ trong các ca nhiễm cộng đồng. 8 ngày trước nhóm chuyên gia Ấn Độ cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2 ở Yên Bái kết quả giải trình tự gene cũng nhiễm chủng Ấn Độ, được tính là ca nhập cảnh cách ly ngay. Nhóm chuyên gia Ấn Độ này lây nhiễm biến chủng cho một nhân viên lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2.

Đồng thời với giải trình tự gene bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, các chuyên gia cũng giải trình tự gene virus 6 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nam, hai mẫu ở Hưng Yên, hai mẫu tại Hà Tĩnh lấy từ hai bệnh nhân Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ. Kết quả giải trình tự gene những bệnh nhân này nhiễm chủng B.1.1.7, là biến thể từ Anh.

Các kết quả giải trình tự gene được Bộ Y tế công bố chiều 4/5.

B.1.617 Ấn Độ chứa 13 đột biến khác nhau, trong đó có hai đột biến nguy hiểm là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California, Mỹ và E484Q giống với loại xuất hiện ở Nam Phi, Brazil. Hai đột biến này có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19. Giới khoa học gọi B.1.617 là biến chủng kép.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, hôm 28/4 cho biết cả thế giới đang chú ý đến biến chủng kép B.1.617 từ Ấn Độ. Biến chủng đầu tiên của nó là B1.1.7 từ Anh cho thấy rõ mức độ lan tràn rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu. Với chủng kép này (mang hai đột biến), mức độ lây lan còn nhanh hơn nữa nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 27/4 cho biết biến chủng nCoV B.1.617 xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã được ghi nhận trong hơn 1.200 trình tự gene trên cơ sở dữ liệu mở GISAID. Phần lớn mẫu bệnh phẩm được gửi đến từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore. Ít nhất 17 nước đã phát hiện biến chủng này.

WHO xếp B.1.617 vào nhóm “biến chủng đáng chú ý” (VOI), nhưng chưa coi đây là “biến chủng đáng lo ngại” (VOC). Nhóm VOC gồm những biến chủng nCoV nguy hiểm hơn bản gốc nhờ khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn hoặc kháng vaccine mạnh hơn.

Hôm 2/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu nhanh chóng giải trình tự gene virus bệnh nhân trước tình hình Covid-19 ở các nước láng giềng diễn biến phức tạp. Một số địa phương trong nước đang xuất hiện các chùm ca nhiễm. Việc giải trình tự gene nhằm đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch phù hợp.

Hôm 30/4, kết quả giải trình tự gene ca nhiễm ở Yên Bái được ghi nhận là “bệnh nhân 2857”, nhân viên lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2, cũng mang biến chủng Ấn Độ. Người này bị lây nhiễm từ đoàn chuyên gia Ấn Độ cách ly tập trung sau nhập cảnh tại khách sạn này từ ngày 18/4.

Viện Pasteur TP HCM trước đó cũng giải trình tự gene các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia, kết quả 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 (Anh) và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351 (Nam Phi).

Đến nay, Việt Nam ghi nhận nhiều biến chủng nCoV phổ biến. Các ca nhiễm gần đây nhập cảnh từ Campuchia kết quả giải trình tự gene cho thấy nhiễm biến chủng Anh và Nam Phi. Đợt dịch liên quan Hải Dương, Quảng Ninh cũng xuất hiện biến chủng Anh và Nam Phi. Chuỗi lây nhiễm từ sân bay Tân Sơn Nhất là do biến chủng Rwanda.

Nguồn: https://vnexpress.net/benh-nhan-cong-dong-o-vinh-phuc-nhiem-bien-chung-an-do-4272394.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336