Whitmore – căn bệnh nguy hiểm bị lãng quên

Bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao, nhiễm do vi khuẩn trong đất và nước mặt, cũng có nguy cơ từ khuẩn trong thức ăn hoặc bụi bẩn không khí.

Bệnh Whimore tái xuất với tỷ lệ tử vong cao, diễn biến nhanh khiến nhiều người lo ngại, nhất là sau các ca tử vong của hai chị em ruột ở Hà Nội. Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh không lây từ người sang người.

– Bệnh Whitmore ở Việt Nam đang diễn biến như thế nào thưa bác sĩ?

Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên, từng xuất hiện trên thế giới cách đây một thế kỷ. Đây là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của bệnh lưu hành.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, bùn và được phát hiện ở Việt Nam từ thế kỷ trước và xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Ca đầu tiên vào năm 1925 tại Viện Pasteur, TP HCM. Do đó, đây không phải bệnh lạ, bệnh hiếm nhưng bị “bỏ quên” trong cộng đồng. Số ca Whitmore tăng gần đây không phải do bùng phát về dịch bệnh mà nhờ nhiều cơ sở đã xét nghiệm được đúng bệnh hơn.

Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa.

– Biểu hiện của bệnh là gì?

Whitmore không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu. Các triệu chứng giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, nhiễm trùng huyết, sốt kéo dài với nhiều ổ áp xe trên cơ thể nên nhiều trường hợp không phát hiện bệnh này. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng, có thể gây sốt kéo dài, ho, đau ngực, sưng đau cơ khớp, suy hô hấp…

Trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số ca Whitmore. Khoảng 35% trẻ mắc bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. Diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong.

Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, các ổ áp xe trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện áp xe nội tạng như áp xe gan, lách, viêm bàng quang, viêm khớp hoặc viêm màng não.

– Những người nào có nguy cơ mắc bệnh cao nhất ?

Bệnh Whitmore gặp ở mọi nhóm người, từ trẻ nhỏ đến người già. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất là lứa tuổi trung niên, người bị bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc người có bệnh phổi, bệnh thận mạn tính và có nguy cơ tiếp xúc với bùn đất bẩn có chứa vi khuẩn.

– Đường nhiễm bệnh Whitmore là gì? 

Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất bị ô nhiễm qua vết thương ngoài da.

Một số ít do hít phải bụi bẩn, giọt nước hoặc ăn uống phải nước chứa vi khuẩn nên có nhiều khả năng lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt ở trẻ em khi mà có biểu hiện áp xe tuyến mang tai.

Tuy nhiên phải khẳng định rằng bệnh không lây từ người sang người. Các ca bệnh chỉ diễn ra lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

– Việc điều trị Whitmore có những khó khăn gì?

Whitmore rất khó chẩn đoán, triệu chứng không điển hình. Hơn 90% ca bệnh whitmore không phát hiện giai đoạn sớm, ở trẻ em càng khó lường hơn. Tỷ lệ tử vong do bệnh này lên đến 40%.

Điều trị bệnh Whitmore khó khăn do thời gian kéo dài, phải dùng kháng sinh nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì 3-6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. Ngoài ra, quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc.

– Cần làm gì để phòng bệnh Whitmore?

Đầu tiên, các cơ quan, chính quyền cần phải có chiến lược đánh giá tổng thể về dịch tễ học, từ đó đề ra các biện pháp phòng và hướng dẫn điều trị bệnh cụ thể ở cấp độ quốc gia. Các bác sĩ cần phải được đào tạo để nắm được rõ về bệnh và bệnh này cần phải được đưa vào giảng dạy kỹ ở các trường đại học.

Do chưa có vắc-xin phòng bệnh, nên người dân cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng, trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay và tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, nước nhiễm bẩn.

Khi có vết thương hở, trầy xước trên da, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.

Những người nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh cần thận trọng hơn. Không nên kỳ thị hay xa lánh người bệnh. Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.

 Thùy An

Nguồn: https://vnexpress.net/whitmore-can-benh-nguy-hiem-bi-lang-quen-4014388.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336