Phát hiện sớm, 92% người bệnh ung thư cổ tử cung sống thêm 5 năm

Theo số liệu mới nhất của GLOBOCAN, năm 2020, ung thư cổ tử cung đã cướp đi sinh mạng của khoảng 340.000 phụ nữ trên toàn thế giới.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

Ở Việt Nam, số ca mắc mới ung thư cổ tử cung là khoảng 4.000 trường hợp và gần 2.200 trường hợp tử vong.

Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, không có ai có thể trả lời chính xác cho câu hỏi bệnh nhân ung thư cổ tử cung sống được bao lâu, bởi điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bạn bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nào, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị ra sao…

Căn cứ vào số liệu của Viện Ung thư Quốc gia (NCI), các nhà nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung.

Phát hiện sớm, 92% người bệnh ung thư cổ tử cung sống thêm 5 năm  - 1

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng tỷ lệ này chỉ là ước tính và được đưa ra dựa trên số liệu được thu thập từ rất nhiều người cùng mắc một loại ung thư nên nếu so sánh giữa các cá thể thì có thể sẽ có nhiều sự khác biệt.

Dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư cổ tử cung ở từng giai đoạn bệnh:

Giai đoạn khu trú: Tế bào ung thư được tìm thấy trong cổ tử cung và tử cung nhưng chưa lan sang các mô xung quanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 92%.

Giai đoạn lan rộng: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, đi vào các hạch bạch huyết và các cấu trúc xung quanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 58%.

Giai đoạn di căn: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác và các bộ phận khác trên cơ thể. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 17%.

Nhìn chung, ung thư cổ tử cung là bệnh diễn tiến chậm, âm thầm. Từ thời điểm nhiễm virus HPV gây nên các triệu chứng ở vùng cổ tử cung đến các dấu hiệu tiền ung thư, rồi ung thư xâm lấn có thể mất khoảng 10 – 15 năm.

Tóm lại, ung thư cổ tử cung sống được bao lâu sẽ khác nhau ở từng người. Hơn thế nữa, tích cực điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ giúp bạn tăng cơ hội sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Ung thư cổ tử cung chữa như thế nào?

Càng phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công ung thư cổ tử cung càng cao. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì rất khó điều trị và cơ hội sống rất thấp.

Tùy thuộc vào bạn bị ung thư giai đoạn nào mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Các cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là:

Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Áp dụng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, khối u còn nhỏ. Bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung, laser, phẫu đông hoặc dùng vòng cắt đốt bằng điện (LEEP).

Cắt bỏ cổ tử cung: Trong phương pháp này, cổ tử cung và phần trên âm đạo sẽ bị cắt bỏ, chỉ giữ lại tử cung. Đôi khi, bệnh nhân cần được nạo hạch bạch huyết vùng chậu kết hợp.

Cắt bỏ tử cung toàn phần: Gồm có toàn bộ tử cung, các vùng lân cận xung quanh, hai phần phụ sẽ được cắt toàn bộ và nạo hạch vùng chậu.

Đoạn chậu: Loại bỏ các cơ quan trong khung chậu, bao gồm bàng quang, trực tràng, toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, tùy theo mức độ xâm lấn của khối u.

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật thì bác sĩ có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

Xạ trị: Tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách chiếu chùm tia năng lượng cao. Mục đích là thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật để phẫu thuật được triệt để hơn, hoặc loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Hóa trị: Truyền hóa chất trực tiếp vào tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể chỉ định hóa trị đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-som-92-nguoi-benh-ung-thu-co-tu-cung-song-them-5-nam-20220905232732100.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336