Đại dịch Covid-19 đã phần nào khiến chúng ta nhìn rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, đối với sứ mệnh công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cũng như nhiều nước đang phát triển, tại Việt Nam chi cho thuốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí y tế.
Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2018, tỷ lệ tổng giá trị tiền thuốc sử dụng so với tổng chi y tế lên tới 52,7%. Tiêu thụ thuốc bình quân đầu người liên tục tăng từ mức 20 USD năm 2009 lên 59,58 USD năm 2019.
Ngành dược mang tiềm năng một ngành kinh tế năng động phát triển đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của đất nước. Ngành dược cũng là điểm sáng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch.
Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014. Theo đó, về cơ bản các đơn vị đã triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu chung là cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đảng XIII đã định hướng rõ phát triển công tác chăm sóc sức khỏe đó là “xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Đối với ngành dược, văn kiện cũng chỉ rõ yêu cầu nhiệm vụ cần chú trọng ưu tiên trong giai đoạn tới đó là: “Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, chủ động sản xuất vaccine, thuốc sáng chế”.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ này, ngành dược cần phải có chiến lược phát triển phù hợp.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, ngành dược vẫn còn một số hạn chế như:
– Sản xuất thuốc trong nước chưa có tính cạnh tranh cao và bền vững.
– Việc đảm bảo tiếp cận thuốc bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện một số chính sách liên quan như mua sắm đấu thầu, thanh toán bảo hiểm y tế.
– Thiếu hụt nhân lực cho phát triển một số lĩnh vực như dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới.
– Vấn đề sử dụng thuốc chưa phù hợp, hiệu quả.
Do đó, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm dịch vụ y tế, Bộ Y tế chỉ rõ một số nhiệm vụ và giải pháp bao gồm:
– Bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
– Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.
– Tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, ngày 21/11, PGS.TS Lê Văn Truyền – Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế nhấn mạnh, ngành công nghiệp dược trong nước có nhiệm vụ cung ứng thuốc an toàn hiệu quả, chất lượng với giá phù hợp. Đây là chính sách xuyên suốt của Chính phủ, từ rất lâu.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP – WHO.
“Ngành công nghiệp dược hiện sản xuất 50% lượng thuốc phục vụ nhân dân, mục tiêu là 80% trong những năm tới”, ông Truyền thông tin.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-thanh-tuu-va-thach-thuc-cua-nganh-duoc-viet-nam-20221230150554207.htm