Mở đường bay thương mại đón 5.000 người vào Việt Nam mỗi tuần

Mở đường bay thương mại từ 15/9, người nhập cảnh có thể được rút ngắn thời gian cách ly tập trung và được xét nghiệm tại nơi ở có thu phí.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng kết luận, ngày 15/9 mở đường bay quốc tế đối với 4 khu vực và vùng lãnh thổ là Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Đài Loan (Trung Quốc). Tiếp đó, ngày 22/9 sẽ mở thêm đường bay với Lào, Campuchia.

Mỗi tuần khoảng 5.000 người nhập cảnh

“Đây là những khu vực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt và có sự đàm phán cả hai bên để tương đồng, có đi có lại, trao đổi với nhau. Các nước họ đề nghị nối chuyến, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nới lỏng hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Mở đường bay thương mại đón 5.000 người vào Việt Nam mỗi tuần
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Đối tượng được ưu tiên trong các chuyến bay này là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam ở các khu vực này có nhu cầu về nước.

Theo ông Dũng, lượng người nhập cảnh dự kiến mỗi tuần khoảng 5.000 người. Dần dần số người về sẽ ít đi vì chuyên gia và nhà đầu tư không phải sang đồng loạt, nhưng số người ở nước thứ ba (từ Mỹ, từ châu Âu) về sẽ đông hơn. Tuy nhiên, những hành khách bay từ nước thứ 3 khi về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.

“Hiện Chính phủ vẫn chưa tính đến việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà chỉ ưu tiên các chuyên gia, nhà đầu tư và người Việt Nam muốn về nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Để giới hạn người nhập cảnh ồ ạt, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ GTVT đã đánh giá, mỗi tuần chỉ mở hai chuyến, số lượng máy bay nhân với số người thì ra con số dự kiến.

Đây cũng là cơ hội để đưa người Việt Nam sang lao động ở nước ngoài ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo an toàn.

Cùng với việc nối lại các đường bay thương mại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ cũng tính toán việc rút ngắn thời gian ly cách với các chuyên gia, nhà đầu tư và với những hành khách bay từ nước được đánh giá an toàn.

Nếu cách ly 14 ngày thì cả phi công, tiếp viên cũng phải cách ly 14 ngày. Với nhà đầu tư, việc cách ly kéo dài như vậy không thuận tiện. Do đó, Chính phủ dự kiến rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 5-7 ngày.

“Văn phòng Chính phủ đề xuất 5 ngày, bởi vì những hành khách này phải test 2 lần sau khi nhập cảnh và trước khi nhập cảnh phải xác nhận âm tính”, người phát ngôn Chính phủ giải thích và cho biết việc rút ngắn thời gian xuống còn bao nhiêu ngày hiện vẫn đang tính toán theo hướng giảm thời gian cách ly tập trung và để hành khách về nơi cư trú theo dõi.

Về việc thu phí cách ly, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ 1/9, tất cả những người thuộc diện cách ly phải tự chi trả chi phí, mức phí theo dịch vụ nơi cách ly.

“Cách ly ở khách sạn 5 sao thì theo giá của khách sạn nhưng Chính phủ cũng khuyến khích các khách sạn có cơ chế khuyến mại. Hà Nội có 18 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin.

Theo ông Dũng, lẽ ra cần mở sớm dịch vụ cách ly có thu phí cho người Việt Nam có yêu cầu. Việc này vừa  phục vụ yêu cầu của người dân, vừa tạo điều kiện cho các khách sạn hoạt động.

Thu phí xét nghiệm trong gói lưu trú

Về xét nghiệm đối với những người nhập cảnh, ông Dũng cho rằng khả năng xét nghiệm ở sân bay mà đông người rất khó. Vì vậy, Chính phủ đang tính toán đến phương án xét nghiệm tại nơi lưu trú, được báo trước và có thu phí. Cơ quan y tế địa phương sẽ đến nơi lưu trú để xét nghiệm, chi phí có thể tính toán trong gói lưu trú.

“Chúng ta phải tính toán cẩn thận để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Còn nếu chỉ nghĩ đến chống dịch mà không tính toán bài toán kinh tế sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ thêm “nhìn những khách sạn đẹp đóng cửa rất tiếc”.

Về mức phí xét nghiệm PCR, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang tính theo tinh thần tỉnh nào thì tỉnh đó chịu trách nhiệm. Trong thu phí dịch vụ lưu trú sẽ thu luôn tiền xét nghiệm, sau đó cơ sở lưu trú trả lại tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ về xét nghiệm.

Việc này, các tỉnh cũng tự lên phương án cách ly. Chẳng hạn, một tỉnh có 5 khách sạn đăng ký, đưa lên cổng của tỉnh để khách nước ngoài họ muốn ở họ đăng ký trước theo nhu cầu.

Đối với người Việt Nam từ nước ngoài về, điều kiện khó khăn thì cách ly 14 ngày trong khu cách ly quân đội và chỉ phải đóng phí ăn uống và đồ dùng sinh hoạt. Nếu họ có điều kiện thì cách ly ở khách sạn và trả tiền.

“Tinh thần là chúng ta làm dần dần rút kinh nghiệm, thận trọng nhưng không nên khắt khe quá và phải có giải pháp chung sống lâu dài với dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thu Hằng

Để lại bình luận

Scroll
0911179336