Hải Dương, Hà Nội, TPHCM lần lượt tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên

Những người đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TPHCM đã được tiêm vắc xin Covid-19. Trong buổi sáng 8/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tự tay tiêm cho một cán bộ y tế xã.

PV Dân trí đang có mặt trực tiếp tại 3 địa điểm triển khai tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Hải Dương.

Những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên đã được tiêm an toàn tại 3 địa phương Hải Dương, Hà Nội, TPHCM vào sáng nay 8/3. Hải Dương là địa phương tiêm đầu tiên. Tại đây, người được tiêm đầu tiên là nhân viên y tế Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi. Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tự tay tiêm cho người tiếp theo là Đỗ Thị Nhài- một cán bộ y tế xã.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp giám sát việc tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Dương, tại điểm tiêm của Hà Nội là Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và điểm tiêm phía Nam là thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.

Tại TPHCM, chiều 7/3 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để đảm bảo mọi hoạt động tiêm chủng sẽ được diễn ra an toàn, chặt chẽ. PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp thị sát tại các khoa phòng liên quan của bệnh viện, mọi thủ tục chuẩn bị đã hoàn tất, công tác tiêm chủng đã sẵn sàng.

Hải Dương, Hà Nội, TPHCM lần lượt tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (ảnh: N.H.).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được phân bổ 450 liều vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là 900 liều. Với Hải Dương, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được cấp 300 liều, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 là 500 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương là 100. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương cũng được phân bổ 32.000 liều.

Hải Dương, Hà Nội, TPHCM lần lượt tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên - 2

Nhấn để phóng to ảnh

4h sáng, xe vận chuyển vắc xin từ HN sang tới BV Nhiệt đới, đảm bảo đúng quy trình giữ nhiệt, vận chuyển chuẩn theo các phương án diễn tập đề ra vào tuần trước.

Theo Bộ Y tế, do lượng vắc xin đợt đầu về hạn chế nên Bộ Y tế chỉ phân bổ vắc xin cho các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 và 13 tỉnh, thành có dịch.

Trong sáng 8/3, sẽ triển khai tiêm tại 3 địa điểm, ngay hôm sau dự kiến sẽ tổ chức tiêm tại Gia Lai. Theo kế hoạch trong ngày 10/3 sẽ triển khai tiêm tại tất cả 18 địa phương được phân bổ vắc xin đợt này. Trong đó ngoài 13 tỉnh, thành có dịch thì có thêm Tây Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa là những nơi có bệnh nhân Covid-19 điều trị.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vắc xin được sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vắc xin được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến ngày 25/2, vắc xin này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Vắc xin ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, sẽ sử dụng tiêm chủng mỗi liều 0,5 ml. Vắc xin được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, cũng giống như các vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, song nhà sản xuất cũng lưu ý tuyệt đối không được để đông băng vắc xin.

Hải Dương, Hà Nội, TPHCM lần lượt tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Sắp xếp vị trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các các bàn/vị trí tiêm chủng, giữa các đối tượng.

Vắc xin chỉ hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.

Các phản ứng có thể xảy ra sau tiềm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt… và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.

Theo PGS Hồng, đây là vắc xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ. Cũng như tất cả các vắc xin khác, vắc xin này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm).

Cũng vì thế, để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.

Vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dù độ bảo vệ của vắc xin AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng.

Nhóm phóng viên 

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/hai-duong-ha-noi-tphcm-lan-luot-tiem-nhung-mui-vac-xin-covid-19-dau-tien-20210307202813510.htm

Để lại bình luận

Scroll
0911179336