Tại Việt Nam, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát song vẫn có hơn 8.000 ca mắc mới mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng đại dịch ngày càng phức tạp, khó lường khi có nhiều biến chủng mới xuất hiện.
Ngày 12/11, Tổng Hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế, tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên năm 2021 với chủ đề Đại dịch Covid-19 và Phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Trong đó có 13 báo cáo khoa học được trình bày về các chuyên đề hô hấp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần và bệnh hiếm. Hội nghị được tổ chức tại TP Hà Nội và kết nối trực tuyến với các Sở Y tế, Hội Y học, và cơ sở y tế các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trong bối cảnh đại dịch, một thách thức đặt ra đối với ngành y tế nằm ở sự gián đoạn trong quản lý và điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý không lây nhiễm.
Tại Việt Nam, theo thống kê cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 ca do các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm vẫn có dấu hiệu gia tăng. Điều này đòi hỏi ngành y tế cần đưa ra những biện pháp kịp thời để kiểm soát các bệnh không lây nhiễm trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là tại TPHCM, Bình Dương, đồng bằng sông Cửu Long với số người mắc, tử vong tăng cao. Ngành y tế đã tập trung toàn bộ lực lượng cho mặt trận này. Khoảng 20.000 cán bộ y tế, hội viên của Tổng hội xung phong vào vùng dịch, tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
“Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên nguy cơ vẫn còn đó”, PGS Xuyên nhấn mạnh.
Chung nhận định này, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, có thể kéo dài. Vì thế, Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được sự tham gia đồng hành của các nhà khoa học trong hệ thống nghiên cứu khoa học tiên tiến trong lĩnh vực sức khỏe.
Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch ngày càng phức tạp, khó lường khi có nhiều biến chủng mới xuất hiện. Vì thế, việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như những sáng kiến trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung là một trong những hoạt động cần thiết hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, thông qua hội nghị, các chuyên gia không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh Covid-19 mà còn cung cấp các kiến thức về các phương pháp tiếp cận điều trị bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần có những giải pháp tiên tiến, sáng kiến nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối mặt với các thách thức y tế trong dài hạn.
Bà Katharina Geppert, chuyên gia quốc tế cho rằng hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học nói chung và ngành dược phẩm phát minh nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với những thách thức y tế trong tương lai. Việt Nam có cơ hội thụ hưởng các giá trị kinh tế và xã hội quan trọng từ các đầu tư từ các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. Các đầu tư này càng quan trọng và cấp bách khi Việt Nam chuyển dần sang trạng thái bình thường mới.
Nam Phương
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dich-covid19-ngay-cang-phuc-tap-kho-luong-20211112184809907.htm