Covid 24h: TP HCM ghi nhận gần 8.500 ca nhiễm, Hà Nội giãn cách theo khu vực

TP HCM ghi nhận ngày nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất với 8.499 ca, Hà Nội chia quận huyện thành 3 khu vực để tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9.

Bộ Y tế tối qua công bố 14.894 ca nhiễm mới ở đợt dịch thứ tư, trong đó riêng số ca mắc ở TP HCM là 8.499, tăng 2.536 ca so với hôm trước. Đây là ngày ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 cao nhất tại đô thị này từ khi dịch xuất hiện.

Số ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM từ đầu năm đến nay đã gần con số 10.000. Theo Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở TP HCM vào khoảng 4,2%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%.

“Nhìn chung tình trạng tử vong ở thành phố nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao. Đây cũng là điều mà thành phố tìm mọi cách để kéo giảm”, ông Châu nói và cho biết việc xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng số ca cần hồi sức cũng tăng theo. Điều này ảnh hưởng chất lượng của hệ thống điều trị và khả năng tử vong sẽ tăng.

Người dân khai báo di biến động cư dân tại chốt kiểm soát Covid-19 ở quận Bình Thạnh, ngày 30/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân khai báo “di chuyển nội địa” tại chốt kiểm soát ở quận Bình Thạnh, ngày 30/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Hôm nay, hơn 10 triệu dân TP HCM bước vào ngày thứ 13 trong đợt siết chặt giãn cách kéo dài 15 ngày theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đấy”. Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố kiểm soát được dịch theo kế hoạch mà Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố đặt ra ngày 15/8.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố, việc này không có nghĩa là hai địa phương này sẽ nhanh chóng được nới lỏng giãn cách mà phải chờ đánh giá chung các quận huyện. Trên tổng thể kết quả đánh giá toàn địa bàn, thành phố sẽ có giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Về thời điểm nới lỏng giãn cách, lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho biết chưa thể xác định cụ thể. Theo đó, thành phố đang phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết của Chính phủ. Nghĩa là trong 11 ngày tới các quận huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách.

Sau 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, tổng số ca nhiễm ghi nhận tại Hà Nội đến nay là 3.409 ca. Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).

Hôm qua chính quyền Thủ đô quyết định từ ngày 6 đến 21/9 sẽ chia địa bàn thành 3 khu vực nguy cơ để tiếp tục giãn cách theo các mức độ khác nhau. Trong đó, vùng một gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 6/9 đến ngày 21/9.

Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội thực hiện từ ngày 6/9 đến ngày 21/9.

Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thành phố xác định khu vực này là “vùng đỏ”, nhiều trường hợp nguy cơ cao sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó”.

Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Toàn bộ khu vực này sẽ áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Vùng ba là toàn bộ 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Toàn bộ khu vực này áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ “vùng một”.

Từ 8h ngày 5/9, 1,5 triệu dân Đà Nẵng sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quyết định mới do Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh ký tối qua. Theo đó, thành phố phân chia từng cấp độ nới lỏng các hoạt động xã hội theo từng địa bàn và mức độ nguy cơ (vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh).

Lực lượng chức năng tuần tra tại vùng đỏ trên đường Trần Cao Vân, chiều 3/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Lực lượng chức năng tuần tra tại vùng đỏ trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng, chiều 3/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Với người dân sống ở vùng vàng, bao gồm cả vùng và điểm xanh ở các khu dân cư tại phường, xã vùng vàng Đà Nẵng áp dụng cách ly xã hội “cao hơn Chỉ thị 16”. Người ra đường phải có giấy đi đường QR code kèm giấy tờ tùy thân, thực hiện 5K, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, đeo tấm che giọt bắn khi giao tiếp; thực hiện nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”.

Người dân vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm cộng đồng), được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày một lần. Mỗi hộ gia đình chỉ cử một người đi chợ và phải có giấy đi chợ QR code do địa phương cấp. Khu vực bán hàng tại chợ phải có vách ngăn.

Ngoài ra, người dân được đi tập thể dục, đi bộ ngoài trời và nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, trong khoảng thời gian từ 5 đến 7h sáng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác. Các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn được bán hàng qua mạng, không được phục vụ tại chỗ.

Người dân ở vùng đỏ là nơi phong tỏa cứng, phải thực hiện việc cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Hữu Công

Nguồn: https://vnexpress.net/covid-24h-tp-hcm-ghi-nhan-gan-8-500-ca-nhiem-ha-noi-gian-cach-theo-khu-vuc-4350813.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336