Mắc căn bệnh hiếm gặp, chàng trai ở TPHCM liên tục khó thở suốt 6 tháng, đến khi nhập viện thì phổi trái đã xẹp hoàn toàn, tính mạng nguy kịch.
Ngày 30/3, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa có lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật ECMO song song với phẫu thuật nội soi cắt u nang ruột “khủng” hiếm gặp, để cứu sống một trường hợp nguy kịch tính mạng.
Người bệnh là anh LH.K. (30 tuổi, sống tại TPHCM), nặng đến 110kg, vào viện trong tình trạng khó thở, kéo dài hơn 6 tháng. 2 tuần gần nhất, anh không thể gắng sức làm các công việc thường ngày, đến nỗi chỉ đi được vài bước lên cầu thang đã thở dốc.
Sau khi khám lâm sàng và tiến hành chụp chiếu kiểm tra, anh K. được kết luận có khối u nang ruột đôi lớn (kích thước 75x71x69mm) nằm cạnh thực quản, khiến khí quản bị chèn ép nặng và gần như xẹp hoàn toàn phổi trái.
Nhận định đây là một ca phức tạp, bệnh viện đã tiến hành họp khẩn các khoa Ngoại tiêu hóa, Nội hô hấp, Gây mê hồi sức, Nội tim mạch, Ngoại Lồng ngực mạch máu, Nội tiết để đưa ra kế hoạch điều trị tối ưu.
Bác sĩ Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, bệnh nhân còn trẻ nhưng có nhiều bệnh nền và cân nặng rất lớn. Dù khối u nguy hiểm, cần phẫu thuật khẩn để xử lý đường thở bị chèn ép, nhưng quá trình mổ sẽ khó khăn, dễ biến chứng. Việc kiểm soát hô hấp trong quá trình gây mê cũng là vấn đề lớn, vì nang ruột đã chèn ép nặng vào khí quản, không thể đặt nội khí quản như bình thường.
7h sáng 21/3, người bệnh được đưa vào phòng mổ. Ban đầu, các bác sĩ tiến hành đặt ống thở với mục đích làm xẹp phổi phải, giúp cuộc mổ thuận lợi hơn, nhưng không thành công do nang chèn ép nhiều. Sau khi hội chẩn, ekip điều trị quyết định sẽ cho bệnh nhân ngưng thở máy hoàn toàn, tiến hành kỹ thuật oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) để hỗ trợ phẫu thuật.
Sau khi có ECMO vào cuộc, các bác sĩ đã nội soi lồng ngực để cắt bỏ nang ruột cho bệnh nhân, trong ca mổ kéo dài gần 6 giờ. Hậu phẫu, vì đường thở bị chèn ép lâu ngày chưa thể giãn nở hoàn toàn, người bệnh được tiếp tục duy trì ECMO. 12 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân được rút nội khí quản, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hô hấp, tập vận động tại giường tích cực. 5 ngày sau, người bệnh ngưng ECMO và xuất viện sau đó 2 ngày.
Hiện, anh K. đã khỏe hoàn toàn, tự sinh hoạt tốt, không còn cảm giác khó thở như trước phẫu thuật.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, đây là một trường hợp béo phì và có bệnh nền, nhập viện trong bệnh cảnh cần can thiệp phẫu thuật khẩn. Trải qua một cuộc mổ phức tạp, nhiều nguy cơ, nhưng nhờ sự phối hợp đa chuyên khoa tích cực, người bệnh đã thoát chết, trở về cuộc sống hàng ngày.
Các bác sĩ cho biết, nang ruột đôi thực quản là tổn thương bẩm sinh hiếm, thường được chẩn đoán lần đầu khi còn ở tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, với tần suất 1/4.500 ca sinh sống. Nang ruột đôi cũng có thể gặp ở người trưởng thành, nhưng tần suất ít hơn. Nang ruột có thể hiện diện ở khắp chiều dài ống tiêu hóa, nhưng hiếm gặp nhất là xuất phát từ ống tiêu hóa đoạn trong lồng ngực. Trên thế giới mới chỉ có vài ca nang ruột đôi lớn chèn khí quản được báo cáo.
Nang ruột đôi thường lành tính và không có biểu hiện lâm sàng sớm, nên chỉ khi có triệu chứng nặng thì người bệnh mới phát hiện. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý đi tầm soát sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán sớm được bệnh và điều trị tốt hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/chang-trai-110kg-xep-hoan-toan-phoi-trai-vi-can-benh-the-gioi-chi-co-vai-ca-20230330160439449.htm