Trong khi số F0 tại TPHCM có xu hướng đi ngang và giảm dần thì tình hình dịch ở Hà Nội vẫn nóng sau 2 tuần giãn cách xã hội với các chuỗi lây mới phức tạp.
Hà Nội vẫn “nóng” sau 2 tuần giãn cách xã hội
Tròn 2 tuần kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg, tình hình dịch vẫn rất “nóng”, số F0 trong ngày ghi nhận luôn ở mức cao và xuất hiện thêm các chuỗi lây mới phức tạp.
Với hơn 500 ca dương tính SARS-CoV-2, chùm ho, sốt thứ phát là chùm ca bệnh lớn nhất ở thời điểm hiện tại. Các F0 ghi nhận có cả lực lượng y tế, nhân viên tại siêu thị, bưu điện…
TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, nhận định: “Số ca ở chùm sàng lọc triệu chứng thứ phát cao và tăng nhanh là hệ quả của việc các ca bệnh được phát hiện muộn, khi đã có triệu chứng một vài ngày và đã âm thầm lây lan trong cộng đồng trước đó”.
Mới đây nhất, Hà Nội phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga (Minh Khai), khởi điểm là 20 ca dương tính là nhân viên công ty được phát hiện trong ngày 1/8, đến nay thành phố đã ghi nhận tổng cộng 42 F0 liên quan chùm ca bệnh này, phân bố ở 8 quận huyện.
CDC Hà Nội đã cập nhật 55 địa điểm liên quan các nhân viên Công ty Thực phẩm Thanh Nga, gồm 40 cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống VinMart, VinMart+ ; 5 khách sạn, tòa nhà; một bệnh viện và 8 hệ thống bán lẻ.
Trước tình hình dịch ở thời điểm hiện tại, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Gia tăng F0 là trẻ em và người cao tuổi ở Hà Nội
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19 được ghi nhận (thống kê từ ngày 5/7 đến 30/7) là khoảng 5%. Tỷ lệ này cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước đó. Chuyên gia dịch tễ nhận định ở độ tuổi này, trẻ hầu như không thể tự tiếp xúc với các tác nhân lây nhiễm bên ngoài, mà thường lây nhiễm qua người thân. Đây cũng là một yếu tố chứng tỏ dịch đang lây lan trong cộng đồng.
Một vấn đề đáng chú ý khác là số F0 từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, vì người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 cao.
Số ca mắc mới tại TPHCM có xu hướng đi ngang và giảm dần
Tính đến hết 6/8, TPHCM ghi nhận 113.976 ca Covid-19 trong đợt dịch mới. Tín hiệu tích cực là F0 ghi nhận mới trong ngày của thành phố có xu hướng đi ngang và giảm dần.
Trong 2 tuần đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM đã nâng cao, siết chặt và thay đổi nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn dịch Covid-19. Một trong những thay đổi quan trọng trên địa bàn là thay vì phong tỏa rộng như trước đây, thành phố đã chuyển sang phương án phong tỏa trên diện hẹp, có trọng tâm và bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”, nơi chưa có dịch bệnh xuất hiện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phân tích: “Giống như một cây to, chúng ta không thể ôm hết, nhưng có thể ôm chặt từng nhánh nhỏ. Hiện tại, TPHCM không phong tỏa trên phạm vi lớn mà siết chặt lại tại những vùng trọng tâm, trọng điểm. Những khu vực là vùng xanh phải được kiểm soát chặt”, ông Dương Anh Đức phân tích.
TPHCM cần siết chặt hơn nữa các biện pháp trong thời gian tới
Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia dịch tễ cùng chung quan điểm, TPHCM cần siết chặt, tăng cường hơn nữa các biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) nhìn nhận: “Việc dập dịch Covid-19 tại TPHCM tốn nhiều thời gian hơn so với các địa phương khác do thời gian đầu, việc giãn cách tại địa phương chưa nghiêm. Khi dịch đã lan quá rộng ra cộng đồng, việc giảm số ca nhiễm cũng đòi hỏi phải có thời gian, nhất là đối phó với biến chủng virus Delta này”.
Dịch tại Bình Dương bùng phát mạnh
Trong tuần qua, Bình Dương trở thành một trong những điểm nóng nhất về tình hình dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam. Với hơn 23.000 F0, địa phương này đứng thứ hai toàn quốc về số lượng bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch mới, chỉ xếp sau TPHCM. Trong tuần qua, số ca bệnh ghi nhận mới trong ngày tại Bình Dương đa phần ở mức trên 1.000 ca.
Bình Dương có 16 khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, tỉnh này vừa huy động 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hơn 8 triệu mũi vắc xin Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn quốc
Theo số liệu mới nhất từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hơn 8 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 đã được thực hiện trên toàn quốc.
Tại Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng hơn một triệu liều.
Tính đến hết ngày 3/8, TPHCM đã hoàn thành đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 thứ 5 với hơn 930.000 liều trong khoảng 10 ngày. Với việc đẩy nhanh tốc độ trong những ngày cuối cùng, công tác tiêm chủng đợt 5 đã hoàn thành trước so với kế hoạch ban đầu. Thành phố cũng đã khởi động đợt tiêm chủng thứ 6.
Trưa 6/8, đơn vị y tế cùng chính quyền phường Tân Phong (quận 7, TPHCM) đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho gần 500 người nước ngoài tại khu chung cư Scenic Valley. Nhiều người tỏ ra bất ngờ xen lẫn cảm xúc vui mừng vì được quan tâm trên đất khách quê người.
Một điểm nóng khác là Bình Dương đang huy động nhân lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng, phấn đấu mỗi ngày tiêm cho khoảng 100.000 người. Tỉnh đã chấp thuận cho Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh đăng ký tiêm thí điểm vắc xin Nanocovax của Việt Nam cho 200.000 người thuộc Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh.
Hiện nay, vắc xin Covid-19 về Việt Nam từ rất nhiều nguồn khác nhau như Covax viện trợ miễn phí 38,9 triệu liều, 30 triệu liều của VNVC đã được Chính phủ mua lại với giá phi lợi nhuận, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều của Pfizer, nguồn tài trợ của các đơn vị, Chính phủ các nước…
Về việc tiêm mũi vắc xin phối hợp, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính thức để các địa phương thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn. Trong đó khẳng định, trừ Pfizer, không được tiêm vắc xin loại khác cho người đã tiêm AstraZeneca.
“Vạn bữa cơm nghĩa tình” ủng hộ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch
Tiếp nối Chương trình “Vạn lá chắn yêu thương”; “Triệu trái tim – Một ý chí”, sáng 1/8, với sự chung tay của bạn đọc trong nước và nước ngoài, Báo điện tử Dân trí tiếp tục khởi động chương trình “Vạn bữa cơm nghĩa tình” – triển khai tại Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 (TPHCM), với mong muốn sẻ chia và nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TPHCM.
Chương trình “Vạn bữa cơm nghĩa tình” dự kiến kéo dài trong 10 tuần. Theo kế hoạch, 10.000 suất ăn tổng trị giá 500 triệu đồng, từ nguồn kinh phí bạn đọc ủng hộ, thông qua Báo điện tử Dân trí được trao tận tay đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6 và số 7 như mong muốn của lực lượng tuyến đầu chống dịch tại đây.
Tiến Tuấn – Minh Nhật – Phạm Tiến – Phương Anh