Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, thai phụ cần bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng để em bé phát triển khoẻ mạnh và thông minh.
1. Các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai
Để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, phụ nữ mang thai cần tăng cường dinh dưỡng hơn lúc bình thường.
Do vậy, ngoài chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ các nhóm chất cần thiết, cần bổ sung thêm năng lượng, chất đạm, chất béo.
Các nhóm thực phẩm cần thiết bao gồm: nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).
Cần phải sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Ăn phối hợp nhiều loại thức ăn. Chú ý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: vitamin A, B, C, E…; các chất khoáng như sắt, canxi, kẽm, axit folic…
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, khi mang thai ngoài chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng và cần thiết cho mẹ bầu là: axit folic, sắt, canxi, vitamin D.
Ngoài 4 loại thiết yếu trên thì vitamin B1, B2, B5, C, E, A, iốt và kẽm cũng cần thiết. Bổ sung DHA cũng được khuyến cáo bổ sung từ các chuyên gia dinh dưỡng.
2. Một số loại thực phẩm quan trọng cần bổ sung cho phụ nữ mang thai
2.1. Thực phẩm giàu axit folic
Việc bổ sung axit folic trước và trong khi mang thai là vô cùng cần thiết. Vì axit folic tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Ống thần kinh của thai nhi hoàn thành từ tuần thứ 3-4 trong giai đoạn mang thai, nếu thiếu có thể gây ra dị tật ống thần kinh bẩm sinh.
Bên cạnh nguồn uống bổ sung, mẹ bầu cần bổ sung axit folic từ thực phẩm trong chế độ ăn uống hằng ngày. Axit folic có nhiều trong các thực phẩm như: cam, sữa, chế phẩm từ sữa, măng tây, rau bina, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt…
2.2. Thực phẩm giàu sắt
Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tình trạng thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh và làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa như sinh non, nhiễm trùng hậu sản, trẻ sinh ra nhẹ cân.
Theo khuyến cáo, phụ nữ khi bắt đầu có thai nên uống ngay viên sắt, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo axit folic 400mcg/ngày. Ngoài ra cũng nên sử dụng các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày.
Sắt có nhiều trong các loại thịt có màu đỏ như: Tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng; các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải xanh, bí ngô và trái cây khô. Trong đó, thực phẩm có nguồn gốc động vật là nguồn hấp thu sắt tốt hơn so với thực vật.
2.3. Thực phẩm giàu canxi
Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thai kỳ sẽ giúp hình thành và phát triển bộ xương thai nhi mà vẫn đảm bảo toàn vẹn sức khỏe xương của người mẹ. Lượng canxi ăn vào được khuyến cáo là 800- 1000mg mỗi ngày trong suốt thời gian bà mẹ mang thai và cho con bú.
Canxi có nhiều trong: tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm của sữa. Để tăng thêm canxi trong khẩu phần, phụ nữ mang thai cần uống thêm sữa giàu canxi và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, phomat, hoặc uống bổ sung viên canxi kèm theo vitamin D.
2.4. Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi và phospho, góp phần vào cấu tạo xương. Nếu thiếu quá nhiều vitamin D có thể gây dị tật bẩm sinh, gây nhuyễn xương, co giật do hạ canxi máu, loãng xương ở mẹ.
Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin D bao gồm: Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu nành, hạnh nhân, cá hồi, cá trích, bông cải xanh, cam, sữa tươi, lòng đỏ trứng gà…
2.5. Thực phẩm giàu DHA
DHA là một axit béo thuộc nhóm omega-3 được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy, DHA là một dưỡng chất vô cùng thiết yếu đối với cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em.
DHA có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, phát triển thị lực của trẻ. Nghiên cứu cũng cho thấy DHA giảm tỷ lệ sinh non.
DHA rất dồi dào trong các loại hải sản như cá biển sâu, động vật có vỏ, dầu cá và một số loại tảo biển. Một số loại cá được xem là một nguồn cung cấp DHA tuyệt vời như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và trứng cá muối.
Ngoài ra, DHA cũng có thể tìm thấy một lượng nhỏ trong thịt và sữa của động vật ăn cỏ hoặc có trong trứng.