Bí quyết giúp con phát triển chiều cao tối đa ngay từ trong bụng mẹ

Trẻ có khả năng tăng chiều cao từ trong bụng mẹ rất tốt. Từ tháng thứ 4 trở đi, xương thai nhi hình thành và phát triển nhanh, mỗi tháng có thể tăng 5cm.

Nhiều nghiên cứu cho rằng tình trạng dinh dưỡng của mẹ không chỉ quan trọng cho sự phát triển thai nhi mà còn ảnh hưởng tới chiều cao sau này. Mẹ thiếu dinh dưỡng con sinh ra nhẹ cân, chiều dài thấp, dễ ốm bệnh… Mẹ tăng cân quá nhiều dễ có nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật, đái tháo đường, dễ sanh mổ, sinh non…

1. Ăn uống khoa học

– “Ăn cho 2 người” phải hiểu cho đúng, không phải là “ăn gấp đôi” mà cần ăn khoa học và cân bằng, tránh tăng cân quá ít hoặc quá nhiều. Mức tăng trung bình là 10-12kg trong thai kỳ.

– Ăn uống lúc này vừa quan trọng cho trí não vừa quan trọng cho thể chất (chiều cao, cân nặng).

– Lượng ăn phụ thuộc cân nặng trước khi mang thai, tuổi của mẹ và tốc độ tăng cân.

– 3 tháng đầu thai kỳ ăn uống bình thường, tăng lượng ăn ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

2. Ăn uống đa dạng

– Ăn đủ và đa dạng các thực phẩm thuộc các nhóm chất thiết yếu: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

+ Tinh bột (cơm, bún, phở, bánh mì…) chiếm khoảng 30% tổng lượng ăn, ngày 3-4 bát cơm đầy (hoặc các tinh bột khác tương đương).

+ Chất đạm khoảng 20%, tương đương 60 – 100g/ngày theo từng giai đoạn. Đạm có nhiều trong cá, tôm, cua, trứng, thịt, sữa và sản phẩm từ sữa, các loại đậu, các loại hạt… mấy loại này cũng chứa nhiều sắt và chất béo tốt. Không nên ăn thịt, cá, trứng sống hoặc tái, nên ăn đồ đã nấu chín…

+ Chất béo khoảng 20% tổng lượng ăn. Ngày 60-70g (khoảng 6-8 thìa dầu mỡ). Có thể lấy cả trong các loại thức ăn như cá, thịt, các loại hạt…

+ Nhớ ăn nhiều rau xanh và trái cây (khoảng 30% khẩu phần ăn) để cung cấp vitamin và khoáng chất, chất xơ…

3. Những lưu ý quan trọng:

– Thai phụ không bỏ bữa sáng, ăn đủ các bữa chính và thêm các bữa phụ (chia nhỏ bữa ăn). Khi ăn cảm thấy no, bạn nên dừng.

* Canxi: Canxi cần thiết cho sự phát triển xương của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần từ 1.000 – 1200mg canxi/ngày. Cách tốt nhất là lấy canxi từ thức ăn. Tôm, cua, cá, thuỷ hải sản, trứng, đậu phụ, ngũ cốc, các loại hạt, sữa, sữa chua, phô mai… nhiều canxi. Nếu ăn uống kém có thể bổ sung canxi theo chỉ dẫn bác sĩ sản khoa.

* Vitamin D: Vitamin D (và vitamin K2) cần thiết cho sự hấp thụ và chuyển hoá canxi, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin D rất quan trọng cho cả mẹ và con nhưng thường dễ bị bỏ qua vì đa phần chú ý canxi hơn.

– Với mẹ: Củng cố hệ xương, tăng cường miễn dịch để mẹ đỡ ốm bệnh khi mang thai. Giảm nguy cơ sinh non, tiền sản giật (một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu), đái tháo đường, huyết áp cao, trầm cảm sau sinh…

– Với con: Giúp xương thai nhi phát triển, có cân nặng, chiều dài tốt khi sinh. Giảm nguy cơ còi xương, gãy xương ở trẻ sơ sinh. Người ta còn thấy mẹ bổ sung đủ vitamin D trong thai kỳ làm tăng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp, khò khè của trẻ khi chào đời… Nhu cầu vitamin D cần cho phụ nữ mang thai ít nhất là 600-800 IU/ngày, nhiều nơi khuyên 1000-2000 IU/ngày.

Không có vitamin D, canxi không hấp thu được, đã ăn uống giàu canxi, bạn nên bổ sung thêm vitamin D. Trên thị trường ít vitamin D riêng cho người lớn, bạn có thể dùng loại xịt khá tiện lợi.

– Luôn nhớ uống đủ nước.

– Cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, đồ ăn nhanh, đồ quá nhiều đường, muối… Thai phụ nên tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái.

BS Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/giup-tre-phat-trien-chieu-cao-toi-da-ngay-tu-trong-bung-me-2030370.html

Để lại bình luận

Scroll
0911179336