Suốt 10 ngày qua, Đà Nẵng liên tục áp dụng các biện pháp mạnh với cấp độ tăng dần để phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Ngày 24/7: Đà Nẵng phong toả Bệnh viện C tại quận Hải Châu – nơi bệnh nhân (BN) 416 đang điều trị và được xác định là ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng, sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Ngày 25/7: Thành uỷ Đà Nẵng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, xem xét việc giãn cách xã hội ở mức độ phù hợp với tình hình thực tế, khi Đà Nẵng ghi nhận 2 BN.
Khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, điều tra, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân bị Covid-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, giám sát và theo dõi chặt chẽ; Phun tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Công an tăng cường quản lý địa bàn, quản lý cư trú, nhất là đối với người nước ngoài.
Ngày 26/7: Du khách và người ngoại tỉnh bắt đầu rời thành phố. Nhiều du khách hủy kế hoạch du lịch đến Đà Nẵng.
Ngày 27/7: Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về phòng, chống dịch Covid-19 với chính quyền Đà Nẵng đang diễn ra, với nhận định số ca mắc Covid-19 mới chưa dừng lại, Thủ tướng chỉ đạo cần có các biện phá mạnh mẽ để kiểm soát dập dịch, để không bị bất ngờ về diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Đà Nẵng quyết định thực hiện các biện pháp cách ly xã hội phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 28/7: Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố; phong toả khu vực xung quanh 3 bệnh viện được cho là tâm dịch ở ngay trung tâm TP (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng).
Người dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ngay ranh giới phong toả các tuyến phố xung quanh các bệnh viện với bên ngoài.
Cộng đồng hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu đến y bác sĩ và bệnh nhân ở các bệnh viện bên trong khu vực phong toả.
Ngày 29/7: Sau khi Bộ Y tế công bố thêm 7 BN, trong đó có 4 BN ở Đà Nẵng, đường phố Đà Nẵng vắng lặng. Thành phố đề nghị dừng cả hoạt động của các hành quán phục vụ thức ăn chế biến sẵn cho khách mang về hoặc ứng dụng công nghệ phục vụ giao tận nhà.
Ngành Y tế và các ngành chức năng liên quan thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; tăng tốc truy vết nguồn lây, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng.
Ngày 30/7: Đà Nẵng tạm dừng hoạt động thi công ở các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố; “thúc” tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung điều trị cho BN mắc Covid-19; đồng thời làm sạch các ổ dịch tại 3 bệnh viện trong khu vực đang được phong toả.
Ngày 31/7: Đà Nẵng ghi nhận số bệnh nhân mắc mới trong ngày kỷ lục 45 ca. Đã có ca tử vong đầu tiên là BN 428 là bệnh nhân mắc Covid-19 đã có bệnh nền rất nặng.
Ngày 1/8: Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo tính đến việc thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người dân toàn thành phố.
Cung Thể thao Tiên Sơn Đà Nẵng được dọn dẹp khẩn trương, chuẩn bị bàn giao mặt bằng lập bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đà Nẵng xin ý kiến Bộ GD & ĐT về chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào các ngày từ 8-10/8.
Ngày 2/8: Theo công bố của Bộ Y tế, tại Đà Nẵng đã ghi nhận 121 BN mắc Covid-19. Trong đó, có 5 BN tử vong đều là các BN có bệnh nền nặng đang điều trị tại các bệnh viện ở thành phố.
Hôm nay 3/8, Đà Nẵng vẫn đang thực hiện các biện pháp mạnh và quyết liệt trong nỗ lực khống chế dịch, với tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc”!
Tâm An